Thông tin trên do đài CNN dẫn lời một quan chức quân sự Mỹ. Tàn quân IS tiếp tục bỏ trốn ngay cả khi trận chiến quyết định nổ ra tại thành trì cuối cùng của chúng ở Đông Nam Syria gần đây. Một quan chức Mỹ khác nhấn mạnh một số tay súng trụ lại cuối cùng có thể là cựu thành viên của tổ chức al-Qaeda ở Iraq.
"Vương quốc Hồi giáo" mà IS tạo dựng mấy năm qua được cho là đang hấp hối. Đầu tháng 2 này, tướng Joseph Votel - chịu trách nhiệm về hoạt động của quân đội Mỹ ở Trung Đông - cho rằng IS còn khoảng 20.000 - 30.000 tay súng, phù hợp với ước tính của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 8-2018.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng có khoảng 15.500 - 17.100 phiến quân IS ở Iraq Ảnh: NA
Tuy nhiên, trái ngược với tuyên bố tự tin của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một quan chức ngoại giao Mỹ cao cấp nhận định "đánh bại IS" không chỉ gói gọn trong việc thu hồi vùng lãnh thổ mà chúng kiểm soát.
Thay vào đó, phải là "đánh bại mạng lưới của IS", bao gồm các nguồn lợi tài chính bổ sung, nguồn cung cấp vũ khí và những người giúp chúng có nơi lẩn trốn. Theo điều trần trước quốc hội của cộng đồng tình báo Mỹ, có thể có đến hàng chục ngàn đối tượng liên quan đến mạng lưới này.
Trong khi đó, cũng theo đài CNN, ảnh hưởng của Iran ngày càng tăng ở Iraq. Bằng chứng điển hình là thiếu tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, đã đi lại Iraq đến 20 lần trong 3-4 năm qua. Mỹ không yêu cầu bắt giữ Soleimani nhưng lưu ý chính phủ Iraq về sự tự do đi lại của ông ta.
Theo quan chức ngoại giao trên, Iran dường như đang cố tạo ra "một phe cánh chính trị vũ trang" bên trong Iraq và phe cánh này vừa chịu vừa không chịu sự kiểm soát của chính phủ trung ương Iraq.