Thông tin được đưa ra chỉ vài ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh lần haigiữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27 và 28-2.
Trong hội nghị thượng đỉnh tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái, ông Trump và ông Kim đã ký tuyên bố chung, trong đó cam kết thiết lập quan hệ Mỹ - Triều mới nhằm đáp ứng nguyện vọng vì hòa bình và thịnh vượng của người dân hai nước.
Hai nguồn tin ngoại giao cấp cao cho rằng động thái trước mắt có thể là trao đổi các đại diện. Phía Mỹ có khả năng sẽ cử một số quan chức liên lạc được dẫn đầu bởi một quan chức ngoại giao cấp cao biết tiếng Triều Tiên đến nước này để thành lập văn phòng liên lạc.
Các nguồn tin cho biết bước đi này để ngỏ khả năng thiết lập quan hệ chính thức giữa hai nước nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp, đồng thời đứng trước tình thế bất lợi trước mắt, Triều Tiên cũng mong chờ động thái đáng kể từ phía Mỹ. Đây có thể sẽ là một trong những thành tựu ngoại giao lớn nhất giữa Mỹ và Triều Tiên trong nhiều thập kỷ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp ở Singapore. Ảnh: AP
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về vấn đề này với đài CNN.
Một thỏa thuận tương tự từng được Mỹ và Triều Tiên thống nhất vào năm 1994, bắt đầu bằng việc mỗi bên sẽ cử ra 7 nhân viên liên lạc. Khi đó, Mỹ đã ký hợp đồng thuê mặt bằng trong văn phòng của phái đoàn Đức tại Triều Tiên trong khi Triều Tiên cũng khảo sát các địa điểm ở thủ đô Washington - Mỹ.
Tuy nhiên, vào cuối năm đó, kế hoạch này bị Bình Nhưỡng hủy bỏ được cho là bắt nguồn từ vụ trực thăng Mỹ bị bắn hạ khi bay qua khu phi quân sự và xâm phạm không phận Triều Tiên.
Hồi đầu tháng này, chỉ huy hàng đầu của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên nói trước thượng viện rằng "có rất ít sự thay đổi có thể kiểm chứng" về khả năng quân sự của Triều Tiên kể từ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats cũng cho rằng Triều Tiên khó có thể từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và khả năng sản xuất hạt nhân vì ông Kim xem đó là yếu tố quan trọng giúp đảm bảo sự tồn tại của chính quyền.