Hối châu Âu nhận lại tay súng IS, ông Trump lại cấm cô dâu IS về Mỹ

Thứ năm, 21 Tháng 2 2019 16:23 (GMT+7)
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông ra lệnh cho Bộ Ngoại giao nước này cấm một phụ nữ Mỹ đã gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ năm 2014 quay trở về Mỹ.

Ngay sau đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 20-2 tuyên bố Mỹ sẽ không tiếp nhận người phụ nữ này, đồng thời nói cô "không phải là công dân Mỹ".

Hoda Muthana, 24 tuổi, bày tỏ rằng cô lấy làm tiếc đã rời khỏi nước Mỹ để gia nhập IS cách đây 4 năm và muốn đưa con trai 18 tháng tuổi từ Syria trở về với gia đình ở bang Alabama.

Đằng sau lệnh cấm cửa một phụ nữ IS về Mỹ - Ảnh 1.

Hoda Muthana ở trại Al-Hawl - Syria hôm 17-2. Ảnh: REUTERS

Động thái từ chối tiếp nhận Muthana được đưa ra khi Tổng thống Mỹ thúc ép các nước châu Âu cho hồi hương các công dân nước họ là tay súng IS. Điều đó có thể tạo ra tiền lệ và đối mặt với những thách thức về pháp lý trong khi nhìn chung mất quốc tịch Mỹ là chuyện cực kỳ khó.

Đáng chú ý, tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo về Muthana hoàn toàn mâu thuẫn với lời kêu gọi các nước khác của chính ông ta rằng hãy đưa các công dân tham gia thánh chiến của mình trở về và truy tố họ.

Ông Pompeo nhấn mạnh: "Cô ấy không có cơ sở pháp lý, không có hộ chiếu Mỹ còn giá trị, cũng không có bất cứ loại visa nào để vào Mỹ. Chúng tôi tiếp tục khuyến cáo tất cả mọi công dân Mỹ không nên đến Syria."

Muthana, từng là một trong những người kích động trên mạng nổi bật nhất của IS, đã bị lực lượng người Kurd bắt giữ sau khi bỏ chạy khỏi vùng đất cuối cùng do IS kiểm soát.

Đằng sau lệnh cấm cửa một phụ nữ IS về Mỹ - Ảnh 2.

Hoda Muthana và con trai. Ảnh: THE GUARDIAN

Tiếp xúc với giới báo chí tại trại tị nạn al-Hawl ở miền Bắc Syria, Muthana thú nhận cô đã bị tẩy não và đã hiểu sai về niềm tin khi gia nhập IS. Cô là một trong số ít người Mỹ trong số hàng trăm người châu Âu gia nhập hàng ngũ IS ở Syria. Cô đã kết hôn 3 lần và có 1 con nhỏ.

Luật sư Hassan Shibly nhận xét lập trường của chính quyền Mỹ dựa cơ sở trên cách giải thích phức tạp đạo luật liên quan đến người cha của phụ nữ trên.

"Người ta khẳng định cha cô là nhà ngoại giao khi cô ra đời nhưng thực ra không phải như vậy" - luật sư Shibly nói. Theo ông, Muthana sinh năm 1994 ở Hackensack, bang New Jersey và khi đó cha cô đã không còn là nhà ngoại giao nhiều tháng trước.

Trong khi đó, theo Dự án Chống chủ nghĩa quá khích tại Trường ĐH George Washington, cha mẹ của Muthana đến từ Yemen và đã trở thành những công dân Mỹ được nhập tịch.

Hầu hết mọi người sinh ra ở Mỹ đều được cấp quốc tịch ngay khi sinh ra nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Theo đạo luật nhập cư và quốc tịch, người sinh ra ở Mỹ là con nhân viên ngoại giao nước ngoài không tự động được xem là công dân Mỹ khi ra đời.

Thực ra, cuối năm 2014, chẳng bao lâu sau khi đến Syria, Muthana đã đăng trên Twitter bức ảnh chụp 4 phụ nữ đốt hộ chiếu phương Tây, trong đó có 1 người Mỹ.

Nguồn: Hoài Vy - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới