Số vũ khí thu được tại nhà riêng của Hasson. Ảnh: AFP
“Bị cáo có ý định giết hại thường dân vô tội ở quy mô hiếm thấy tại Mỹ. Bị cáo là một kẻ khủng bố trong nước và đã có hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng con người, gây ảnh hưởng tới sự quản lý của chính phủ” – luật sư Mỹ Robert Hur cho biết trong một kiến nghị yêu cầu ông Hasson bị giam giữ cho đến khi được đem ra xét xử.
Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Mỹ cho hay, 15 khẩu súng và hơn 1.000 viên đạn cùng với các loại dược phẩm trái phép, gồm thuốc kháng viêm steroid và hoóc-môn tăng trưởng đã được thu giữ tại căn hộ của Hasson ở thành phố Silver Spring, tiểu bang Maryland. Các công tố viên cho biết Hasson tự nhận mình là “người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng trong hơn 30 năm và là người ủng hộ bạo lực nhằm tạo ra một đất nước da trắng”. Ông này thường dựa vào “bản tuyên ngôn Breivik” để tàng trữ vũ khí và lập ra danh sách các mục tiêu cần sát hại, trong đó gồm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, nghị sĩ đảng Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez cũng như các nghị sĩ đảng Dân chủ khác tại Hạ viện và Thượng viện. Trong khi đó, các nhân vật truyền thông trong danh sách gồm Don Lemon và Chris Cuomo của CNN, Chris Hayes và Joe Scarborough của MSNBC.
Hasson từng là trung úy trong Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ (USCG). Y làm việc tại trụ sở USCG ở Thủ đô Washington từ năm 2016. Trước đó, y từng phục vụ tại Thủy quân Lục chiến Mỹ giai đoạn 1988-1993 và cũng từng làm việc tại Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ trong vòng 2 năm. Từ đầu năm 2017, Hasson bắt đầu nghiên cứu kỹ bản sao của “bản tuyên ngôn Breivik” mà Breivik chuẩn bị cho vụ thảm sát của mình. Y mua nhiều loại súng và đạn dược từ các nhà bán lẻ ở nhiều bang khác nhau, chi hàng ngàn USD mua súng ngắn, súng trường và các thiết bị khác. Sau đó, y bắt đầu quá trình tìm kiếm mục tiêu cụ thể, tuân theo chỉ dẫn của Breivik để xác định ra “những kẻ phản bội chủ nghĩa Mác”, đồng thời ra sức tìm kiếm trên mạng nơi mà hầu hết các thượng nghị sĩ sống và xem liệu các thành viên của Quốc hội hay các thẩm phán Tòa án Tối cao có được âm thầm bảo vệ hay không.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20-2 cho biết chính quyền của ông đang cấm Hoda Muthana, một cựu tuyên truyền viên sinh ra ở Mỹ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, quay về nước.
Trên trang cá nhân Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ đã chỉ thị cho Ngoại trưởng Mike Pompeo “không cho phép Hoda Muthana” hồi hương. “Cô Hoda Muthana không phải là công dân Mỹ và sẽ không được nhận vào Mỹ. Cô ấy không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào, không có hộ chiếu Mỹ hợp lệ, không có quyền hộ chiếu,
cũng không có thị thực tới Mỹ” - Ngoại trưởng Pompeo trong một tuyên bố sau đó nhấn mạnh.
Việc Tổng thống Trump từ chối tiếp nhận Muthana diễn ra trong bối cảnh ông đang thúc giục các nước châu Âu tiếp nhận các tay súng IS là công dân các nước này. Động thái này của ông chủ Nhà Trắng có thể sẽ đối mặt với thách thức pháp lý bởi việc thu hồi quyền công dân Mỹ là rất khó khăn.
Nguồn: TRÍ VĂN (Theo AFP, Guardian)
T/h: Ngọc Ngoan- ( dongbang.vn)