Đại diện nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc và chi nhánh tại Mỹ có mặt tại tòa án ở TP Seattle – Mỹ hôm 28-2 để đối mặt cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại của công ty T-Mobile US (Mỹ), gian lận và cản trở tư pháp.
Trong vụ kiện đánh cắp bí mật thương mại này, cáo trạng cho biết trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2014, Huawei đã đánh cắp thông tin về hệ thống robot kiểm tra điện thoại "Tappy" từ trụ sở của T-Mobile ở Bellevue, bang Washington.
Phía Mỹ cho hay họ phát hiện các thư điện tử của Huawei cho thấy hãng này cấp tiền thưởng cho nhân viên có được thông tin bị đánh cắp từ các công ty trên toàn thế giới. Hiện Huawei đối mặt với mức phạt hơn 5 triệu USD, gấp 3 lần giá trị của các bí mật T-Mobile bị mất cắp.
Các luật sư đại diện cho Huawei đến phiên tòa hôm 28-2. Ảnh: Bloomberg
Tuy nhiên, hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc này phủ nhận có bất kỳ hành vi sai trái nào và cho rằng họ sẽ được phán quyết vô tội. Các luật sư của Huawei và chi nhánh tại Mỹ từ chối bình luận sau phiên tòa.
Phiên xử kế tiếp dự kiến diễn ra vào ngày 2-3-2020 vì tính chất phức tại của vụ án.
Phiên tòa trên diễn ra một ngày trước thời hạn Canada ra quyết định liệu có bắt đầu phiên điều trần về việc dẫn độ giám đốc tài chính Huawei Meng Wanzhou, người bị Mỹ truy nã vì các cáo buộc gian lận.
Giám đốc tài chính Huawei Meng Wanzhou đối mặt nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ. Ảnh: AP
Trong bản cáo trạng nộp tại Brooklyn, các công tố viên Mỹ cho rằng bà Meng đã nói dối các ngân hàng để lừa họ xử lý các giao dịch của Huawei bị cho là vi phạm lệnh trừng phạt thương mại Iran.
Quyết định truy tố bà Meng, con gái của nhà sáng lập Huawei Ren Zhengfei, đã gây ra cuộc tranh cãi ngoại giao chưa từng có giữa Mỹ và Trung Quốc, trong lúc khiến Canada rơi vào thế kẹt.
Bà Meng dự kiến xuất hiện tại phiên tòa vào ngày 6-3. Nếu diễn ra, tiến trình dẫn độ có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Tuy nhiên, bất kể quá trình này mất bao lâu thì nhiều cuối cùng bà Meng vẫn sẽ bị dẫn độ sang Mỹ.