Cử chỉ hòa bình của Pakistan hôm 28-2 - thả phi công người Ấn Độ bị bắt giữ sau cuộc đụng độ trên không giữa chiến đấu cơ hai nước - chưa đủ giúp tình hình hạ nhiệt. Đụng độ vẫn xảy ra gần đường Ranh giới kiểm soát (LoC) chia cắt Kashmir một ngày sau đó, khiến 6 dân thường và 2 binh sĩ Pakistan thiệt mạng.
Mối bận tâm hàng đầu hiện nay tập trung vào kho vũ khí hạt nhân của 2 quốc gia Nam Á này. Chuyên gia Shuja Nawaz của Hội đồng Atlantic (Mỹ) cảnh báo với đài CNBC rằng nguy cơ nổ ra chiến tranh toàn diện Ấn Độ - Pakistan với sự tham gia của vũ khí hạt nhân có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả khu vực và thế giới.
Tên lửa đạn đạo Shaheen III có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của PakistanẢnh: Reuters
Trong cuộc đối đầu như thế, theo đánh giá của tạp chí The National Interest (Mỹ), kho vũ khí hạt nhân của Pakistan thật sự đáng sợ. Được khởi động từ những năm 1950, chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan được quan tâm nhiều hơn sau khi nước này bị Ấn Độ đánh bại trong cuộc chiến 1971.
Sau khi New Delhi thử quả bom hạt nhân đầu tiên vào năm 1974, Islamabad đẩy nhanh tiến trình thu thập nhiên liệu cần thiết cho vũ khí hạt nhân. Một thành viên Ủy ban Năng lượng nguyên tử Pakistan tiết lộ nước này đã hoàn tất bản thiết kế bom hạt nhân đầu tiên vào năm 1978. Đến năm 1998, Ấn Độ cho thử 6 bom hạt nhân trong vòng 3 ngày. Không chịu thua kém, Pakistan vào 3 tuần sau đó tiến hành 5 vụ thử trong vòng một ngày.
Kho vũ khí hạt nhân ngày càng lớn của Pakistan hiện chịu sự kiểm soát của Đơn vị Kế hoạch Chiến lược của quân đội và phần lớn được đặt tại tỉnh Punjab. Islamabad khẳng định số vũ khí này được bảo vệ chặt chẽ và khó có thể bị sử dụng tùy tiện.
Số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển) vào năm ngoái ước tính Pakistan có 140-150 đầu đạn hạt nhân, trong khi con số này của Ấn Độ là 130-140. Trước đó, Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế và Trung tâm Stimson (đều đặt trụ sở ở Mỹ) hồi năm 2015 đánh giá Pakistan có khả năng chế tạo 20 quả bom/năm, đồng nghĩa quốc gia này có thể nhanh chóng trở thành cường quốc hạt nhân lớn thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và Nga.
Không dừng lại ở đó, theo Reuters, Pakistan đang chế tạo tên lửa hành trình phóng từ biển để hoàn thiện "bộ ba hạt nhân", tức khả năng tấn công hạt nhân từ đất liền, trên không và trên biển. Trước đó, Ấn Độ đã có được năng lực này vào năm ngoái khi đưa tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân INS Arihant vào hoạt động.
Diễn biến này phần nào cho thấy Ấn Độ và Pakistan rõ ràng đang tham gia cuộc đua vũ khí hạt nhân, đe dọa dẫn đến kết cục bi thảm nếu quan hệ hai nước này không có dấu hiệu cải thiện thời gian tới. Vì thế, giới phân tích cho rằng đã đến lúc khu vực này cần một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân với hy vọng giữ mọi chuyện trong tầm kiểm soát.