"Hai máy bay ném bom B-52H cất cánh từ căn cứ không quân Andersen, Guam, và tham gia vào các chiến dịch huấn luyện thông thường vào ngày 4-3-2019" – Không quân Thái Bình Dương của Mỹ (USPAF) tuyên bố.
"Một chiếc tập luyện gần biển Đông trước khi trở về Guam. Chiếc còn lại tập luyện gần Nhật Bản cùng với Hải quân Mỹ và không quân Nhật Bản trước khi quay lại Guam" – USPAF cho biết thêm.
Guam là một vùng lãnh thổ của Mỹ ở Micronesia, phía Tây của Thái Bình Dương.
Biển Đông có nhiều đảo, rạn san hô và bãi cát bị Trung Quốc kiểm soát và chiếm đóng trái phép. Tương tự các chiến dịch tự do hàng hải của Hải quân Mỹ trên biển Đông nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc, Không quân Mỹ thực hiện nhiều chiến dịch để nhấn mạnh rằng không phận trong khu vực tranh chấp này là không phận quốc tế.
B-52, máy bay ném bom lớn nhất của Không quân Mỹ. Ảnh: US Pacific Airforces
Tự do hàng hải được quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLS) nhằm xác định quyền và trách nhiệm của các quốc gia trong vấn đề sử dụng biển và tài nguyên biển của thế giới. Công ước này có hiệu lực từ năm 1994 và hiện có hơn 165 nước ký kết.
Lần gần đây nhất USPAF triển khai B-52 là vào ngày 20-11-2018. Là máy bay ném bom lớn nhất của Không quân Mỹ, B-52 nằm trong "Bộ 3 Hạt nhân" bên cạnh tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa trên mặt đất.