Tức giận vì bị... ngạt thở ở Hàn Quốc

Thứ năm, 07 Tháng 3 2019 08:52 (GMT+7)
Tính đến ngày 6-3, các biện pháp khẩn nhằm cắt giảm lượng bụi siêu mịn (còn gọi là PM2.5, với đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) đã được thực hiện trong 6 ngày liên tiếp ở thủ đô Seoul và những vùng lân cận.

Kiểm tra mức độ PM2.5, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và hạn chế hoạt động ngoài trời trở thành thói quen của nhiều người dân Hàn Quốc thời gian qua. "Tôi đau mắt và họng. Tôi mua nhiều khẩu trang và thậm chí không định ra ngoài ăn tối. Tôi cáu gắt và lo lắng dù ở trong nhà hay ngoài trời vì ô nhiễm không khí" - bà Jin Cho, nhân viên ngân hàng ngoài 40 tuổi, chia sẻ.

Tệ hơn là tâm trạng của những người phải làm việc ngoài trời như viên cảnh sát giấu tên ở Yangju, tỉnh Gyeonggi. Ông tâm sự với báo Korea Herald: "Tôi luôn căng thẳng. Tôi lo cho sức khỏe của mình nhưng vẫn phải làm việc bên ngoài 6-8 giờ/ngày".

Giới chức 14 thành phố trên khắp Hàn Quốc đã thực hiện hàng loạt biện pháp khẩn cấp, như cấm các loại xe cũ chạy bằng dầu diesel, hạn chế hoạt động của nhà máy điện than cũng như các cơ sở thải khí khác… Dù vậy, nhiều người nghi ngờ vẫn nghi ngờ về mức độ hiệu quả.

Trước sự lo lắng và tức giận leo thang, Tổng thống Moon Jae-in yêu cầu cơ quan chức năng bàn bạc với phía Trung Quốc, bao gồm giải pháp làm mưa nhân tạo nhằm cắt giảm lượng bụi siêu mịn trong không khí. "Trung Quốc nói rằng bụi từ Hàn Quốc bay sang TP Thượng Hải của họ, vì thế làm mưa nhân tạo trên sông Hoàng Hà cũng giúp ích cho họ" - phát ngôn viên Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom dẫn lời ông Moon.

Tức giận vì bị... ngạt thở ở Hàn Quốc - Ảnh 1.

Ảnh chụp thủ đô Seoul, Hàn Quốc, mịt mù trong bụi mịn vào ngày 6-3. Ảnh: REUTERS

Trong buổi họp báo hôm 6-3, Bộ trưởng Môi trường Hàn Quốc Cho Myung-rae cho biết phía Trung Quốc "rất sẵn lòng" hợp tác đối phó bụi mịn. Cùng ngày, Viện Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe cộng đồng của Hàn Quốc (RIPHE) khẳng định khi ô nhiễm bụi mịn tăng cao trên bán đảo Triều Tiên, hơn 70% lượng bụi siêu mịn bay đến từ Trung Quốc. Pháo bông của Trung Quốc trong dịp Tết nguyên tiêu cùng với "không khí tù đọng" trên bán đảo Triều Tiên là 2 nguyên nhân chính gây ra đợt ô nhiễm bắt đầu từ cuối tháng 2 nói trên, theo RIPHE.

Viện Nghiên cứu Môi trường quốc gia (Hàn Quốc) dự báo mức độ PM2.5 trên khắp Hàn Quốc được dự đoán là tạm xuống thấp vào hôm 7-3 trước khi tăng lên lại vào cuối tuần này.

Trong khi đó, theo dữ liệu chất lượng không khí vừa được hai tổ chức IQAir AirVisual và Greenpeace công bố, Ấn Độ là quốc gia ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới trong năm 2018. Cụ thể, 7 trong tổng số 10 thành phố ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới đều nằm tại Ấn Độ. 

Trong số này, Gurugram thuộc bang Haryana là thành phố ô nhiễm nặng nề nhất. Đáng chú ý, trong tốp 5 thành phố ô nhiễm nhất chỉ duy nhất thành phố không thuộc Ấn Độ, đó là TP Faisalabad của Pakistan.

"Ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe con người, tình trạng ô nhiễm còn gây thiệt hại ước tính 225 tỉ USD về mặt năng suất lao động và hàng ngàn tỉ USD chi phí y tế" - trích báo cáo của Greenpeace. 

Cao Lực - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới