Bắt mạch tâm lý ông Kim Jong-un vào phút cuối thượng đỉnh Mỹ - Triều

Thứ sáu, 08 Tháng 3 2019 00:00 (GMT+7)
Các nguồn tin của đài CNN tiết lộ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un "đến Hà Nội trong tâm thế rất tự tin" và "không có kế hoạch dự phòng".

Đài CNN dẫn 2 nguồn tin tiết lộ đoàn Triều Tiên đến dự thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai ở Hà Nội với niềm tin rằng chắc chắn họ sẽ đạt được một thỏa thuận.

Khác với thượng đỉnh lần đầu tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái, lần này Chủ tịch Kim trực tiếp đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sự tự tin của ông Kim thể hiện ở chỗ lần đầu tiên ông trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài – một nhà báo kỳ cựu của tờ Washington Post (Mỹ). "Với những cảm nhận hiện nay, tôi cho rằng kết quả tốt sẽ tới" – ông Kim đáp lời nhà báo vào sáng 28-2, trước khi cùng ông Trump bước vào phiên họp kín.

Không khí lạc quan đột ngột tan biến vào trưa cùng ngày, khi tổng thống Mỹ quyết định dừng đàm phán và bỏ luôn bữa trưa dự kiến dùng cùng chủ tịch Triều Tiên. 

Bắt mạch tâm lý ông Kim Jong-un vào phút cuối thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 1.

Bàn ăn trưa bị bỏ lại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dừng đàm phán. Ảnh: Instagram

Các nguồn tin cho biết phía Triều Tiên đã chuẩn bị một phương án mà họ xem là "nhượng bộ quan trọng" để đề nghị Mỹ dỡ bỏ trừng phạt. "Họ sẵn sàng từ bỏ tất cả cơ sở tại Yongbyon, không chỉ một lò phản ứng mà là toàn bộ khu phức hợp. (…) Họ đàm phán rất nghiêm túc" – một nguồn tin cho hay.

Sự kiện Triều Tiên tổ chức họp báo vào rạng sáng 1-3 – một bước đi chưa từng có tiền lệ - cũng rất đáng chú ý. Một nguồn tin khác nói: "Họp báo ngay sau nửa đêm để phản ứng lại các tuyên bố của Tổng thống Trump chứng tỏ Triều Tiên rất không hài lòng". Trước đó, vào chiều 28-2, phía Mỹ cũng họp báo và Tổng thống Trump nói phía Triều Tiên muốn được dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận. Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong-ho khẳng định họ chỉ muốn dỡ bỏ một phần trừng phạt.

Việc ông Kim Jong-un chọn ông Ri và bà Choe Son-hui chủ trì họp báo cũng có thể là một dấu hiệu không hài lòng với nhà đàm phán chính Kim Yong-chol. Thái độ đó còn ẩn hiện qua phát biểu với báo giới của Thứ trưởng Choe, rằng Chủ tịch Kim "có thể không còn hứng thú đàm phán" và "Mỹ đã đánh mất cơ hội ngàn năm mới có một".

Nguồn tin của CNN nói: "Chính ông Kim chỉ đạo bà Choe nói thế, bởi những phát biểu như vậy chắc chắn phải được thực hiện theo chỉ đạo trực tiếp của ông ấy". Do đó, theo nguồn tin này, điều quan trọng lúc này là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phải vào cuộc với vai trò trung gian hòa giải chính.

Hải Ngọc - (nld.com.vn)

T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới