Nội dung trừng phạt gồm đóng băng tài sản, cấm nhập khẩu các mặt hàng từ Crimea và TP Sevastopol cũng như cấm du lịch tại các khu vực này. Ngoài EU, Mỹ đang áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, mục đích gây sức ép và làm suy yếu chính sách đối ngoại của Tổng thống Vladimir Putin mà không gây tổn hại cho các nền kinh tế khác trên thế giới.
Các lệnh trừng phạt được cho là khiến GDP của Nga giảm 6% kể từ năm 2014. Giá dầu thấp đã tác động tiêu cực đến kinh tế nước này nhưng trừng phạt bị xem là "thủ phạm lớn hơn". Kinh tế Nga tăng trưởng ở mức 1%-2% trong 2 năm qua. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán con số này sẽ đạt mức 1,8% vào năm 2019. Nga đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ mình khỏi các lệnh trừng phạt nhưng dự báo tăng trưởng kinh tế hơn 3% vào năm 2021 gây nghi ngờ.
Kinh tế Nga chịu tác động không ít từ giá dầu. Ảnh: RIA NOVOSTI
Trong ngắn hạn, tác động của giá dầu đối với Moscow quan trọng hơn bất kỳ lệnh trừng phạt nào. Doanh thu từ dầu chiếm 40% nguồn thu cho ngân sách chính phủ liên bang Nga. Ngoài ra, nước này còn được trợ giúp từ sự rớt giá của đồng rúp, góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu. Ngân hàng Trung ương Nga gần đây dự báo tác động của các biện pháp trừng phạt Mỹ đối với kinh tế nước này sẽ thấp hơn giai đoạn 2014-2015.
Một tác dụng phụ từ lệnh trừng phạt là thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Nga tạo ra các dự trữ, giúp nền kinh tế ổn định hơn sau khi Bộ Tài chính nước này ban hành quy định nhằm bảo vệ nền kinh tế khỏi sự biến động của giá dầu. Một yếu tố khác là chính trị. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU cho đến nay vẫn không thể khiến Tổng thống Putin bị sứt mẻ quyền lực.
Cây bút Jo Harper của đài DW (Đức)