Bí ẩn kỳ án 60 năm

Thứ sáu, 08 Tháng 3 2019 08:33 (GMT+7)
Viện Tổng công tố Nga cho rằng cái chết bí ẩn của 9 sinh viên trên rặng núi Ural năm 1959 gắn liền với các hiện tượng thiên nhiên

Viện Tổng công tố Nga vừa mở lại cuộc điều tra cái chết bí ẩn của 9 sinh viên cách đây 60 năm, được gọi là "cái chết của nhóm Dyatlov" và được xem là một trong 20 điều bí ẩn nhất trong vòng một thế kỷ qua.

75 giả thuyết

Ngày 23-1-1959, nhóm 9 sinh viên Trường ĐH Bách khoa Ural - gồm 7 nam, 2 nữ - bắt đầu chuyến đi dưới sự hướng dẫn của sinh viên năm thứ năm Igor Dyatlov. Hành trình kéo dài 16 ngày của họ nhằm chinh phục hơn 300 km và vượt qua các ngọn núi ở Bắc Ural: Otorten và Kholat Syakhl. 

Theo kế hoạch, ở điểm cuối cùng của chuyến đi - làng Vizhay - vào ngày 12-2, nhóm này phải đánh điện về câu lạc bộ thể thao của trường nhưng chuyện đó đã không xảy ra.

Nhà chức trách tiến hành cuộc tìm kiếm vào ngày 20-2 và 6 ngày sau, người ta đã phát hiện lều của nhóm sinh viên, trống rỗng và bị xé rách. Hôm sau, thi thể của Yuri Doroshenko và Yuri Krivonischenko được tìm thấy cách đó gần 2 km. Đáng chú ý, xác 2 sinh viên này nằm cạnh đống lửa và trên người chỉ còn đồ lót. 

Mấy ngày sau, người ta tìm thấy thêm 3 thi thể nữa, trong đó có Dyatlov. Mãi đến 3 tháng sau đó, 4 thi thể còn lại mới được tìm thấy khi tuyết tan.

Bí ẩn kỳ án 60 năm - Ảnh 1.

Ngày 28-5-1959, Nga khởi tố vụ án hình sự liên quan đến cái chết của nhóm sinh viên trên. Thế nhưng, theo đài CNN, 3 tháng sau, vụ án đã được khép lại sau khi có kết luận rằng thảm kịch này do "sức mạnh của thiên nhiên" gây ra. Cuộc điều tra trên được giữ bí mật cho đến những năm 1970.

Đối với nhiều người, giải thích trên không làm họ thỏa mãn vì không lý giải được vì sao các nhà thám hiểm lao vào chốn giá lạnh mà chỉ mặc đồ lót và không mang giày. Một chi tiết không có lời giải khác là vài nạn nhân bị gãy xương và vỡ sọ. Không gì lạ khi có đến 75 giả thuyết được đưa ra.

Đến nay, Viện Tổng công tố Nga cho rằng cái chết bí ẩn của 9 sinh viên trên rặng núi Ural năm 1959 gắn liền với các hiện tượng thiên nhiên. "Yếu tố tội phạm bị loại trừ hoàn toàn. Đó chỉ có thể là lở tuyết, tảng tuyết hoặc bão" - phát ngôn viên Viện Tổng công tố Nga Alexander Kurennoi cho biết. 

Tuy nhiên, hồi tháng 9-2018, cơ quan công tố vùng Sverdlovsk vẫn cho điều tra lại cái chết của nhóm nhà thám hiểm trẻ tuổi, tập trung vào 3 giả thuyết được xem là khả dĩ nhất. Theo ông Kurennoi, người thân, giới truyền thông và công chúng vẫn đòi hỏi các công tố viên tìm ra sự thật để giải tỏa nghi ngờ có điều gì đó bị che giấu lâu nay. 

Ông giải thích rằng công tố là cơ quan duy nhất được luật pháp cho phép mở lại cuộc điều tra cái chết của nhóm Dyatlov mặc dù sự việc đã xảy ra 60 năm trước.

Những chi tiết đáng sợ

Phát biểu tại cuộc họp báo gần đây, ông Andrei Kuryakov, người đứng đầu cơ quan giám sát việc tuân thủ luật pháp liên bang của Văn phòng Công tố vùng Sverdlovsk, cho biết các nhà điều tra đang dựa vào sự hỗ trợ của "bạn bè và gia đình những nhà thám hiểm xấu số" cũng như những công nghệ hiện đại chưa xuất hiện cách đây 60 năm. 

Theo ông Kuryakov, có 2 nguyên nhân để tiến hành điều tra. Một là, người thân của những người đã chết muốn biết do đâu họ mất mạng. Hai là, cần phải xác định chuyện gì đã xảy ra để tránh lặp lại những vụ việc đau lòng tương tự trong tương lai.

Nhân viên Văn phòng Công tố vùng Sverdlovsk cùng với các chuyên gia và đại diện Bộ Các tình huống khẩn cấp sẽ đến tận hiện trường thảm kịch trong tháng này. Trước đây, các công tố viên chỉ kiểm tra tài liệu của cuộc điều tra cũ. Các chuyên gia sẽ thực hiện 9 cuộc kiểm tra khác nhau, kể cả một cuộcđiều tra pháp y, nhằm tìm ra lời giải đáp cho nhiều thắc mắc còn bỏ ngỏ lâu nay.

Bí ẩn kỳ án 60 năm - Ảnh 2.

Nhóm sinh viên thám hiểm trên vùng núi Bắc Ural cách đây 60 năm. Ảnh: GUB DAILY - KP

Theo báo Gazeta, giới chuyên môn chú ý đến nhân thân của Semen Zolotarev, 37 tuổi, thành viên lớn tuổi nhất của nhóm thám hiểm, một cựu chiến binh và là giáo viên giáo dục thể chất. Thi thể của ông ta nằm rất lâu trong một con lạch và ngay cả người thân cũng không nhận ra. Thế nhưng, trên cánh tay của người quá cố có những hình xăm kỳ lạ mà chưa một ai từng nhìn thấy khi ông ta còn sống.

Theo lời tổng biên tập báo Komsomolskaya Pravda Vladimir Sungorkin, lý lịch Zolotarev đầy những "điểm mâu thuẫn". Ông lưu ý rằng theo giấy tờ, tên người tham gia nhóm Dyatlov được ghi là Semen nhưng không hiểu sao anh ta lại yêu cầu mọi người gọi là Alexander. Ngoài ra, nhà báo Sungorkin cho biết thêm rằng theo hồ sơ lưu trữ, Zolotarev giành được nhiều giải thưởng nhưng kết quả điều tra cho thấy một số huy chương được ông liệt kê không hề thuộc về ông ta.

Vì có nhiều điểm mâu thuẫn, 2 cuộc kiểm tra y khoa đã được tiến hành và một kết quả xét nghiệm cho thấy ADN của người thân và Semen không tương thích. Từ đó, giới báo chí cho rằng có thể một người nào đó khác nằm trong nấm mộ ghi tên Zolotarev và ngôi mộ với dòng chữ "Semen Zolotarev" chẳng thuộc về ai cả.

Mặt khác, theo trang How to News (Nga) ngày 22-2, nhà nghiên cứu nổi tiếng Valentin Degterev ở TP Nizhny Tagil thuộc vùng Sverdlovsk đã đưa ra những sự kiện mới về câu chuyện cũ này. Điều nghiên các bức ảnh chụp thi thể nữ sinh viên Zinaida Kolmogorovaya, ông kết luận rằng cô gái đã bị tra tấn dã man trước khi chết. 

Thêm vào đó, ông Degterev nhận định rằng ngày nay, vẫn còn có những người biết chân tướng sự việc nhưng họ không nói ra mặc dù 60 năm đã trôi qua. Cho đến nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao nhóm thám hiểm ra khỏi lều và bị chết cóng... 

NGÔ SINH - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới