Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 9-3 khẳng định việc Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga không liên quan đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), dự án chiến đấu cơ F-35 hoặc an ninh của Mỹ.
Phản ứng trước sức ép của Mỹ, Tổng thống Erdogan cho rằng Washington muốn gây sức ép lên Ankara vì nước ông đang ngày càng độc lập, kể cả trong vấn đề an ninh quốc phòng lẫn giải quyết các vấn đề trong khu vực.
"Vấn đề không phải vì S-400 mà vì Thổ Nhĩ Kỳ hành động theo ý mình đối với các vấn đề trong khu vực, đặc biệt là ở Syria" - ông Erdogan khẳng định, đồng thời nhấn mạnh sẽ không hủy thỏa thuận mua S-400. Thậm chí, Tổng thống Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ có thể mua hệ thống phòng không thế hệ mới S-500.
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tại một cuộc diễu binh ở thủ đô Moscow - Nga năm ngoái Ảnh: REUTERS
Trước đó một ngày, Lầu Năm Góc dọa sẽ không bàn giao 100 chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ như đã thỏa thuận và cũng chẳng bán hệ thống phòng không Patriot cho đồng minh NATO này nếu họ mua S-400 của Nga.
"Nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng đối với các mối quan hệ, kể cả quân sự, giữa chúng tôi và họ" - phát ngôn viên Lầu Năm Góc Charlie Summers cảnh báo. Ngoài ra, theo đài RT (Nga), Mỹ còn cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về hàng loạt biện pháp trừng phạt trong khuôn khổ Đạo luật chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) nếu họ quyết mua S-400.
Ankara ký thỏa thuận mua S-400 với Nga hồi năm 2017 bằng bản hợp đồng trị giá 2,5 tỉ USD. Cùng lúc, họ hỗ trợ tài chính cho chương trình F-35 và đạt được thỏa thuận mua 100 chiến đấu cơ này từ Mỹ. Theo kế hoạch ban đầu, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được giao S-400 và F-35 vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, mọi chuyện phức tạp khi Washington phản đối thỏa thuận giữa Ankara và Moscow. Vốn xem S-400 là một mối đe dọa tiềm tàng với các vũ khí của họ, đặc biệt là F-35, Washington khẳng định các thành viên NATO chỉ nên mua vũ khí trong nội bộ khối để duy trì "khả năng tương tác".
Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định việc đa dạng hóa nguồn cung vũ khí và củng cố năng lực phòng không lẫn tên lửa có ý nghĩa to lớn đối với an ninh quốc gia của họ, đặc biệt là sau cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2016. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã chi trả cho Nga một phần theo thỏa thuận mua bán S-400 và theo giới phân tích, rất khó để Tổng thống Erdogan quay lưng với thỏa thuận này.
Ankara không muốn gây tổn hại đến nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung với Nga về vấn đề Syria và không còn nhiều thời gian để xét lại thỏa thuận S-400 vì thời điểm bàn giao đang đến gần - ông Ozgur Unluhisarcikli, từ Viện Nghiên cứu German Marshall Fund (Mỹ), giải thích.
Trong khi đó, nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã về hưu Uluc Ozulker cho rằng quốc gia của ông đang bị kẹt giữa Mỹ và Nga và "không thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng này". Điều này, theo chuyên gia phân tích quốc phòng Can Kasapoglu, có nghĩa là nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ trừng phạt đang gia tăng.
Ngoài S-400 và F-35, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ còn xấu đi vì mâu thuẫn liên quan đến người Kurd ở Syria, vốn bị Ankara xem là khủng bố nhưng lại là đồng minh của Washington trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trong khi đó, Tổng thống Erdogan đã và đang hợp tác chặt chẽ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin nhằm đạt được một giải pháp chính trị đối với nội chiến Syria.
Chưa hết, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng đang bất đồng về khủng hoảng Venezuela - Ankara ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro trong khi Washington ủng hộ thủ lĩnh đối lập Juan Guaido. Do đó, ông Endy Zemenides, Hội đồng Lãnh đạo Mỹ - Hy Lạp, khẳng định thỏa thuận mua bán S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể là "giọt nước tràn ly" trong quan hệ Ankara - Washington.