Trong một diễn biến gây nhiều bất ngờ, một thẩm phán của Tòa Thượng thẩm Shah Alam ở Malaysia hôm 11-3 đồng ý phóng thích bị cáo người Indonesia Siti Aisyah sau khi các công tố viên rút cáo buộc giết người đối với cô này.
Người phụ nữ 26 tuổi nói trên cùng với Đoàn Thị Hương, 30 tuổi, là 2 bị cáo ra tòa do cáo buộc dính líu đến cái chết của công dân Triều Tiên được cho là ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Aisyah và Đoàn Thị Hương bị buộc tội sử dụng chất độc thần kinh VX để sát hại nạn nhân tại sân bay Kuala Lumpur hồi tháng 2-2017. Tuy nhiên, cả 2 nghi can đều khẳng định họ bị điệp viên Triều Tiên lừa gạt và nghĩ rằng đây chỉ là trò chơi khăm cho một chương trình truyền hình.
Tại phiên tòa ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur hôm 11-3, công tố viên Muhammad Iskandar Ahmad không đưa ra lý do cho hành động trên mà chỉ cho biết Aisyah được tự do rời Malaysia. Thẩm phán Azmin Ariffin sau đó phán quyết Aisyah được tự do khi ông chấp nhận yêu cầu của phía công tố. Tuy nhiên, ông khẳng định việc phóng thích nói trên không đồng nghĩa bị cáo được tha bổng.
Sau khi nghe phán quyết, Siti Aisyah đã bật khóc và ôm Đoàn Thị Hương trước khi rời phòng xử án. Cô Aisyah cho các phóng viên biết chỉ hay tin mình sẽ được tự do vào buổi sáng cùng ngày. "Tôi rất ngạc nhiên và hạnh phúc" - cô bày tỏ trước khi rời tòa án trên xe của Đại sứ quán Indonesia.
Siti Aisyah (giữa) tại cuộc họp báo ở sân bay sau khi trở về thủ đô Jakarta - Indonesia hôm 11-3. Ảnh: REUTERS
Sau diễn biến bất ngờ trên, phiên tòa xử Đoàn Thị Hương hôm 11-3 đã bị hoãn lại. Thông qua phiên dịch viên, cô nói với các phóng viên mình cảm thấy bị sốc và đầu óc trống rỗng sau khi Aisyah được trả tự do. Cô khẳng định mình vô tội nhưng hiện không biết chuyện gì sẽ xảy ra với bản thân.
AP dẫn lời ông Hisyam Teh Poh Teik, luật sư của Hương, cho biết sẽ tìm cách tác động để hoãn phiên tòa. Ông cho rằng thân chủ mình cảm thấy việc Aisyah được phóng thích là không công bằng với cô sau khi thẩm phán hồi năm ngoái nhận định có đủ bằng chứng để tiếp tục phiên tòa xét xử cả 2 người.
Theo Reuters, tòa án đã đồng ý lùi thời gian xét xử Đoàn Thị Hương đến ngày 14-3 trong khi chờ phản hồi của Tổng Chưởng lý Tommy Thomas về yêu cầu xóa tội đối với cô. Trước đó, tại phiên tòa hôm 11-3, các công tố viên không yêu cầu thẩm phán hủy bỏ cáo trạng đối với bị cáo này, dẫn đến chỉ trích mạnh mẽ từ luật sư của cô. "Cáo buộc với cô Siti Aiysah đã bị hủy bỏ, nhưng cáo buộc với cô Đoàn (Thị Hương) thì không. Không có lý do nào được đưa ra cho động thái này" - ông Hisyam The, luật sư của Đoàn Thị Hương, phản ứng.
Nguyên nhân về quyết định gây sốc nói trên đã được Đại sứ quán Indonesia ở Malaysia hé lộ không lâu sau khi cô Aisyah được thả. Cụ thể, theo báo The Straits Times (Singapore), Bộ trưởng Luật pháp và Nhân quyền Indonesia Yasonna Laoly đã yêu cầu cơ quan công tố Malaysia rút lại các cáo buộc và "cho phép Aisyah trở về Indonesia khi tính đến các mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước". Sau khi nhận được yêu cầu này, Tổng Chưởng lý Tommy Thomas trả lời trong một bức thư hôm 8-3 rằng quyết định hủy bỏ các cáo buộc nhằm vào cô Aisyah được đưa ra sau khi cân nhắc đến mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước.
Trong khi đó, chính phủ Indonesia cho biết việc cô Aisyah được phóng thích là kết quả của nỗ lực vận động liên tục ở cấp cao. Theo báo The Guardian, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gặp Thủ tướng Malaysisa Mahathir Mohamad 2 lần kể từ tháng 7-2018, cũng như gặp Tổng Chưởng lý Tommy Thomas và cảnh sát trưởng quốc gia Malaysia để quyết vụ việc cô Aisyah. Sau khi về đến thủ đô Jakarta - Indonesia hôm 11-3, cô Aisyah đã gửi lời cảm ơn Tổng thống Widodo cùng các bộ trưởng nội các.