Ngày 15-3, Cục Điều tra và Phân tích về an toàn hàng không dân dụng của Pháp (BEA) bắt đầu kiểm tra các hộp đen máy bay Boeing 737 Max của hãng Ethiopian Airlines bị rơi ở Ethiopia. Trước đó, ngày 13-3, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ra lệnh dừng bay tất cả máy bay Boeing 737 Max 8, do xác định có sự tương đồng giữa vụ rơi máy bay ở Indonesia vào tháng 10-2018 với vụ rơi máy bay này.
Hai vụ tai nạn, nhiều tương đồng
Vào ngày 10-3, máy bay Boeing 737 Max 8 mang số hiệu ET 302 của Ethiopian Airlines rời sân bay quốc tế Bole ở thủ đô Addis Abada - Ethiopia, để đến thủ đô Nairobi - Kenya. Không lâu sau khi cất cánh, phi công gọi điện khẩn cấp xin phép quay lại và được đồng ý ngay tức thì.
Tuy nhiên, máy bay đã rơi ở địa điểm cách sân bay 64 km lúc 8 giờ 44 phút (giờ địa phương), 6 phút sau khi cất cánh. Toàn bộ 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Chiếc Boeing 737 Max 8 này thuộc thế hệ mới nhất của dòng Boeing 737, gặp nạn chỉ sau 4 tháng được đưa vào khai thác.
Trước đó gần 5 tháng, vào ngày 29-10-2018, chiếc Boeing 737 Max 8 mang số hiệu JT 610 của hãng Lion Air (Indonesia) rơi xuống biển Java, sau 13 phút cất cánh từ sân bay Jakarta, làm 189 người thiệt mạng. Vài phút trước khi máy bay gặp nạn, phi công gọi điện khẩn cấp xin phép quay lại nhưng không thực hiện được do mất kiểm soát. Chiếc Boeing 737 Max 8 này cũng còn rất mới, được bàn giao cho hãng Lion Air 3 tháng trước đó.
Nhân viên Liên Hiệp Quốc tại lễ viếng đồng nghiệp thiệt mạng trên chuyến bay mang số hiệu ET 302 của hãng Ethiopian Airlines Ảnh: REUTERS
Có rất nhiều hoài nghi về sự tương đồng giữa 2 vụ rơi máy bay, dẫn đến việc FAA dừng bay đối với tất cả máy bay Boeing 737 Max như nói trên. Động thái này ngay lập tức làm cho giá của Công ty Boeing trên thị trường chứng khoán mất gần 28 tỉ USD.
Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, BEA vẫn chưa có kết luận điều tra chính thức. Quá trình điều tra rất phức tạp, phải mất nhiều tháng để các nhà điều tra phân tích chứng cứ - trong đó có mảnh vỡ, hộp đen và thậm chí là thi thể nạn nhân. Dự kiến đến tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay, mới có báo cáo toàn diện về vụ tai nạn của Ethiopian Airlines.
Có thể do phần mềm?
Các nhà điều tra nhận định "nghi phạm" trong cả 2 vụ tai nạn rất có thể là phần mềm chống chết máy tự động có tên là "Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển" (MCAS).
737 Max là dòng máy bay kế nhiệm thứ tư của Boeing, được trang bị động cơ CFM LEAP-1B lớn hơn và hiệu quả hơn so với động cơ CFM56-7B của dòng 737 "thế hệ tiếp theo (737NG)" trước đó. Vì CFM LEAP-1B có kích thước lớn hơn nên Boeing phải lắp chúng ở vị trí cao hơn so với 737 thế hệ cũ, bởi nếu để động cơ quá gần mặt đất, chúng có thể hút các mảnh vỡ trong lúc máy bay chạy.
Việc điều chỉnh vị trí lắp động cơ đã làm thay đổi trọng tâm của máy bay, khiến mũi máy bay có nguy cơ bị chếch lên khi đang bay. Khi mũi máy bay chếch lên quá cao, nó có thể làm chết máy. Để phòng tránh rủi ro này, Boeing đã thiết kế phần mềm MCAS. Khi nhận thấy mũi máy bay chếch lên quá cao, cảm biến sẽ truyền dữ liệu đến MCAS để hệ thống này tự động hạ mũi máy bay xuống.
Ảnh chụp bên trong buồng lái Boeing 737 Max 8 Ảnh: REUTERS
Các nhà điều tra vụ tai nạn Lion Air từng khẳng định lỗi cảm biến có thể đã gửi dữ liệu sai đến MCAS, khiến máy bay bị hạ mũi đột ngột. Theo báo cáo sơ bộ của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia, phi công của hãng Lion Air không thể xác định được vận tốc và độ cao chính xác của máy bay trong suốt 10 phút trước khi nó rơi.
Ngoài MCAS, các nhà điều tra còn xem xét quá trình huấn luyện phi công lái Boeing 737 Max. Theo báo cáo sơ bộ, việc phi công không được huấn luyện chi tiết về MCAS cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới 2 vụ tai nạn nói trên. Mặc dù được huấn luyện kỹ càng để kiểm soát máy bay khi xảy ra sự cố, phi công cần thông tin chính xác về những yếu tố như vận tốc và độ cao để đưa ra quyết định nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp.
Khi nào Boeing 737 Max được bay lại?
Theo sau 2 vụ tai nạn nói trên, lệnh cấm bay toàn cầu đã được ban hành đối với dòng Boeing 737 Max, bao gồm 4 phiên bản được phân loại theo số 7, 8, 9 và 10. Để Boeing 737 Max được bay lại, trước tiên, các nhà điều tra phải tìm ra nguyên nhân của cả 2 vụ tai nạn. Tiếp đến, sau khi Boeing cập nhật chỉnh sửa, FAA cần chứng nhận việc chỉnh sửa này là an toàn và yêu cầu các hãng hàng không trong nước thực hiện nó cũng như huấn luyện phi công cho phù hợp. Chưa thể biết chính xác quá trình này sẽ mất bao lâu.
Đó chỉ mới là trường hợp ở Mỹ. Những cơ quan hàng không khác trên thế giới, như Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA), cũng phải phê duyệt việc chỉnh sửa nói trên trước khi để Boeing 737 Max bay vào không phận các nước mà họ giám sát.