Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhưng rồi vì cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung Quốc này sớm nhất cũng phải tháng 4 tới mới diễn ra nên chuyến công du châu Âu của ông Tập Cận Bình lại được để ý đến nhiều. Theo xác nhận của phía Trung Quốc thì ông Tập Cận Bình sẽ tới thủ đô Brussel của Bỉ để dự cuộc cấp cao thường niên giữa EU và Trung Quốc, sau đó sẽ thăm Italy và Pháp.
Trước cuộc gặp cấp cao giữa EU và Trung Quốc, Uỷ ban EU đã tung ra văn kiện với tên gọi không chính thức là Chiến lược của EU đối với Trung Quốc với nội dung chính là định hướng lại quan điểm chính sách của EU đối với Trung Quốc, nhưng mục đích chính lại là thống nhất trong nội bộ EU về chính sách đối với Trung Quốc, kịp thời chuẩn bị cho cuộc gặp phía Trung Quốc.
Nội bộ EU hiện bị phân hoá rất sâu sắc về chính sách đối với Trung Quốc mà trước hết và chủ yếu trên hai lĩnh vực là tiếp nhận đầu tư trực tiếp của Trung Quốc và tham gia dự án Một vành đai, một con đường (BRI) của Trung Quốc. Ngay sau cuộc gặp cấp cao này, ông Tập Cận Bình tới thăm Italy và Italy sẽ ký với Trung Quốc một Bị vong lục thể hiện ý định tham gia BRI của Trung Quốc.
Chỉ điều này thôi đã đủ để cho thấy là chiến lược mới kia của EU không thể thành công và Trung Quốc giành được thắng lợi có thể được coi là quan trọng nhất từ trước đến nay trong quá trình thực hiện BRI cũng như rất thành công với phương cách thúc đẩy quan hệ hợp tác với EU nói chung bằng biện pháp phân hoá nội bộ EU.
Trước Italy đã có 13 thành viên EU tuyên bố có ý muốn tham gia BRI. Nhưng Italy là thành viên đầu tiên của nhóm G7 tham gia BRI. Italy là một trong 6 thành viên sáng lập EU, là nền kinh tế lớn thứ 4 trong EU và thứ 14 trên thế giới. Có thêm sự tham gia của Italy, BRI của Trung Quốc có thêm tuy chỉ 1 nước mới tham gia nhưng trọng lực và tác dụng thực tế của nó, ý nghĩa chính trị và tâm lý của nó vô cùng to lớn và vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc và đối với BRI, tức là về lượng tuy rất ít ỏi nhưng về chất thì lại rất to lớn.
Những hải cảng của Italy đều có thể trở thành những mắt xích then chốt trong BRI của Trung Quốc. Nhưng điều còn quan trọng hơn cả như thế rất nhiều đối với Trung Quốc là sự tham gia của Italy giúp Trung Quốc vô hiệu hoá mọi cáo buộc và phê phán của EU và Mỹ rằng Trung Quốc dùng BRI chỉ để đẩy các đối tác tham gia vào tình trạng bị Trung Quốc chi phối và dẫn dắt, lệ thuộc và thua thiệt, là Mỹ và EU cũng như các đối tác khác không thể cản phá được Trung Quốc thực hiện BRI cũng như khích lệ Trung Quốc tiếp tục thực thi sách lược vừa tranh thủ vừa gia tăng áp lực đối với EU, vừa phân hoá nội bộ EU vừa lôi kéo riêng từng thành viên EU.
Theo công bố chính thức của Trung Quốc, hiện có cả thảy 152 nước trên thế giới tham gia BRI và Italy là đối tác thứ 153. Rất đông nhưng những nền kinh tế lớn nhất trên thế giới gần như không tham gia. Vì thế, điều Trung Quốc cần bây giờ không chỉ là diện các nước tham gia đông thêm mà trước hết là sự tham gia của các nền kinh tế lớn để BRI được tin cậy cả về chính trị lẫn tính khả thi trên phạm vi toàn thế giới. Đã đến lúc BRI của Trung Quốc cần đến chất nhiều hơn lượng. Sự tham gia của Italy vì thế có tác động như một bước chuyển mang tính đột phá đối với BRI nói riêng và đối với Trung Quốc trong nỗ lực vận động các nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới tham gia BRI nói chung.
Xem ra, muốn cản trở Trung Quốc thực hiện thành công dự án BRI, Mỹ và EU cùng các đối tác trong phe cánh phải suy tính chiến lược và sách thuật khác biệt cơ bản so với lâu nay cả về cách tiếp cận lẫn định hướng và biện pháp cụ thể. Tháng 4 tới, Trung Quốc sẽ tổ chức hội nghị cấp cao quốc tế lần thứ 2 về BRI và dù đích thân thủ tướng Italy có thể không tham dự sự kiện này thì ý nghĩa và giá trị của việc Italy tham gia BRI bất chấp mọi lo ngại và cản trở của EU đối với Trung Quốc cũng không hề bị suy chuyển gì.
Đại sứ Trần Đức Mậu - (danviet.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)