Tuy nhiên, sự ám ảnh đối với các quốc gia "vùng đệm", như Ukraine, cùng tình trạng đối đầu với phương Tây khiến tổng thống Nga bỏ quên điều mà lẽ ra phải là mối bận tâm hàng đầu của ông. Điều này được soi chiếu rõ ràng thông qua Trung Quốc, đất nước láng giềng của Nga đang giành nhiều lợi thế trong cuộc chơi toàn cầu hóa.
Khi Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế cũng là lúc thế giới bước vào toàn cầu hóa. Trung Quốc kịp thời bổ sung nguồn vốn của mình dưới hình thức hàng triệu nhân công giá rẻ. Ngược lại, Nga không cập nhật thêm gì mà vẫn trung thành với con đường xuất khẩu nguyên liệu thô và năng lượng.
Trong những năm gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu nhiều về việc phát triển kinh tế Ảnh: KREMLIN.RU
Thêm nữa, Trung Quốc đồng ý tiếp tục cải cách để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001. Giới lãnh đạo nước này chấp nhận những rủi ro khổng lồ để giảm hàng ngàn loại thuế và các rào cản thương mại khác. Những cải cách này giúp Trung Quốc trở thành ngôi sao của toàn cầu hóa và tận hưởng nhiều năm phát triển kinh tế thần tốc. Ngược lại, phải đến năm 2012, Nga mới tham gia WTO. Sự chần chừ này thể hiện tầm nhìn dân tộc chủ nghĩa của Nga: Sợ toàn cầu hóa sẽ giúp các công ty phương Tây tước mất chỗ đứng của doanh nghiệp Nga. Thay vì xem toàn cầu hóa là cách thức phát triển kinh tế như Trung Quốc, Nga lại sợ bị toàn cầu "xâm chiếm" thông qua các công cụ kinh doanh quốc tế.
Nhiều ý kiến cho rằng ông Putin thực thi đường lối đối ngoại của thế kỷ XIX. Đó chỉ mới là hiện tượng, chưa phải cốt lõi vấn đề. Vấn đề thực sự của tổng thống Nga là đất nước ông vẫn còn là nền thị trường của thế kỷ XIX. Tất cả đề phòng của ông đối với phương Tây tiếc thay lại không là gì nếu so với những thành tựu kinh tế mà Trung Quốc đạt được.
Edward Goldberg, chuyên gia về kinh tế chính trị quốc tế của Trung tâm Các vấn đề toàn cầu thuộc Trường ĐH New York (Mỹ)