Được thiết kế bởi Viện Kỹ thuật dân sự và Công nghệ xây dựng Hàn Quốc (KICT), hệ thống nói trên ra đời vì lo ngại tai nạn giao thông liên quan đến những người có thói quen vừa di chuyển vừa dùng điện thoại, ngay cả khi băng qua đường.
Ngoài đèn LED màu đỏ, vàng và xanh dương trên vỉa hè, "xác sống điện thoại thông minh" còn được đèn laser trên các trụ điện và một ứng dụng điện thoại phát tín hiệu cảnh báo để họ biết rằng họ sắp băng qua đường. Cùng lúc, những người lái xe được hệ thống đèn nhấp nháy cảnh báo để giảm tốc độ. KICT khẳng định quá trình thử nghiệm đối với khoảng 1.000 phương tiện cho thấy tỉ lệ hiệu quả lên đến 83,4%.
Ngoài đèn LED và đèn laser, “thây ma điện thoại” Hàn Quốc còn được một ứng dụng điện thoại gửi tín hiệu cảnh báo khi sắp băng qua đường Ảnh: REUTERS
"Ngày càng có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến "xác sống điện thoại thông minh" tại vạch kẻ đường, vì thế hệ thống này rất cần thiết để ngăn chặn tai nạn" - chuyên gia Kim Jong-hoon của KICT nhận định, đồng thời cho biết mỗi hệ thống cảnh báo đa chiều nói trên có giá 13.250 USD và được vận hành bởi các cảm biến radar và camera nhiệt.
Đến thời điểm hiện tại, nhà chức trách Hàn Quốc chỉ mới cho lắp đặt hệ thống cảnh báo "xác sống điện thoại thông minh" tại Ilsan, cách thủ đô Seoul khoảng 30 km về phía Tây Bắc nhưng nhiều khả năng hệ thống này sẽ được triển khai khắp nước - theo KICT.
Tương tự Ilsan, giới chức TP Tel Aviv - Israel cũng đã triển khai biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông liên quan đến "xác sống điện thoại thông minh". Theo đó, trong khuôn khổ dự án thí điểm được bắt đầu vào đầu tháng 3 này, các dải đèn LED đã được lắp đặt trên vỉa hè (ngay trước vạch kẻ đường) và chúng sẽ đổi màu theo màu đèn tín hiệu giao thông để thu hút sự chú ý của người đi bộ.
Israel và Hàn Quốc không phải là những quốc gia đầu tiên triển khai biện pháp an toàn đặc biệt dành cho những người có thói quen vừa di chuyển vừa sử dụng điện thoại. Singapore, Úc và Đức cũng đã thực hiện các biện pháp tương tự.