Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập Ahmed Aboul Gheit cho biết quyết định này không làm thay đổi hiện trạng khu vực Cao nguyên Golan bị chiếm đóng bất hợp pháp. Trong khi đó, Syria cho rằng bước đi này của ông Trump là một cuộc tấn công trắng trợn vào chủ quyền của Syria.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Syria cho rằng ông Trump không có quyền hoặc cơ quan pháp lý để hợp pháp hóa hành động chiếm đóng.
Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo với Thủ tướng Netanyahu. Ảnh: Reuters
Người đứng đầu phe đối lập Syria Nasr Al-Hariri cảnh báo quyết định của ông Trump sẽ dẫn đến bạo lực và bất ổn hơn nữa, đồng thời sẽ gây tác động tiêu cực cho nỗ lực xây dựng hòa bình trong khu vực.
Lebanon cũng cho rằng hành động của ông Trump vi phạm tất cả các quy tắc của luật pháp quốc tế và phá hoại mọi nỗ lực để đạt được hòa bình. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng tình trạng của Cao nguyên Golan là không thể thay đổi.
Làn sóng phản đối bùng nổ sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh chính thức công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel, một sự thay đổi chưa từng có trong chính sách đối ngoại của Mỹ hàng chục năm qua, tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Nhà Trắng hôm 25-3.
Tổng thống Trump cho hay đây là sắc lệnh mà Washington phải mất rất lâu để thông qua. Ông đã trao lại chiếc bút ký sắc lệnh cho Thủ tướng Netanyahu và nói: "Hãy dành tặng nó cho người dân Israel". Về phần mình, Thủ tướng Netanyahu hoanh nghênh động thái của ông Trump và khẳng định Israel chưa bao giờ có người bạn nào tốt hơn Mỹ.
Ông Trump ký sắc lệnh công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel trước thềm cuộc bầu cử Israel dự kiến vào ngày 9-4 và được xem là hành động tạo cú hích cho ông Netanyahu trong cuộc bầu cử.
Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu đã rút ngắn chuyến thăm Mỹ như kế hoạch sau vụ phóng rốc két vào Dải Gaza khiến 7 người gần Tel Aviv bị thương. Cuộc tấn công bị cho là do phong trào vũ trang Hamas gây ra. Đáp lại, phía Israel cũng tiến hành cuộc không kích trả đũa ở Dải Gaza.