Mỹ - Trung tưởng gần mà vẫn thật xa!

Thứ sáu, 29 Tháng 3 2019 08:38 (GMT+7)
Washington được cho là đang ngày càng quyết liệt trong việc thách thức các lằn ranh đỏ địa - chính trị của Bắc Kinh

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc tiến hành vòng đàm phán mới nhất tại thủ đô Bắc Kinh trong 2 ngày 28 và 29-3 với hy vọng đạt thêm tiến triển về một thỏa thuận tiềm tàng nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại hiện nay.

Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết tham dự đàm phán có Phó Thủ tướng Lưu Hạc, dẫn đầu phái đoàn nước chủ nhà và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin của Mỹ. Theo vị này, hai bên đã đạt được một số tiến triển trong các cuộc điện đàm trước đó nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. 

Washington muốn Bắc Kinh chấm dứt những hành vi bị cáo buộc, như đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ và buộc chuyển giao công nghệ Mỹ cho doanh nghiệp Trung Quốc. Chưa hết, Mỹ còn muốn công ty nước này tiếp cận nhiều hơn thị trường Trung Quốc và Bắc Kinh giảm trợ cấp công nghiệp.

Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ cấp cao tiết lộ phía Trung Quốc đã đưa ra đề xuất có quy mô và chi tiết chưa từng có liên quan đến vấn đề chuyển giao công nghệ - một trong số vài vấn đề gai góc còn lại trong quá trình đàm phán cho đến giờ. Trong động thái được cho là nhằm xoa dịu Washington, quốc hội Trung Quốc vào đầu tháng này đã thông qua luật tìm cách bảo vệ công ty nước ngoài trước tình trạng ép buộc chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 28-3 cam kết mạnh tay hơn với hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ.

Mỹ - Trung tưởng gần mà vẫn thật xa! - Ảnh 1.

Phái đoàn quan chức Mỹ đến Bắc Kinh dự đàm phán thương mại hôm 28-3. Ảnh: REUTERS

Hai bên đang thương thảo về thỏa thuận bằng văn bản trong 6 lĩnh vực: chuyển giao công nghệ và đánh cắp trên mạng, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ, tiền tệ, nông nghiệp và các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại. "Nếu so sánh các văn bản một tháng trước với hiện giờ, chúng tôi đã tiến triển trong tất cả lĩnh vực" - một quan chức đánh giá nhưng từ chối đưa ra thời gian biểu cho các cuộc đàm phán sắp tới. Cũng theo quan chức này, hai bên vẫn còn khoảng cách về vấn đề tài sản trí tuệ và cách thức thực thi thỏa thuận cuối cùng, nếu có. Một rào cản khác là đòi hỏi của Mỹ về những thay đổi cấu trúc trong nền kinh tế Trung Quốc.

Thời điểm dỡ bỏ thuế quan trừng phạt cũng là vấn đề được quan tâm khác. Kể từ tháng 7-2018, Washington đã đánh thuế lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, dẫn đến động thái trả đũa của Bắc Kinh đối với 110 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Trung Quốc giờ đây muốn thỏa thuận phải gồm có nội dung Mỹ dỡ bỏ thuế đánh vào hàng nhập khẩu nước này. 

Tuy nhiên, Washington trước mắt vẫn muốn duy trì biện pháp thuế quan như một đòn bẩy để bảo đảm Bắc Kinh tuân thủ các cam kết đưa ra. Một quan chức Mỹ khẳng định với Reuters rằng Washington vẫn duy trì một số thuế quan và chủ đề này sẽ được bàn thảo trong các cuộc đàm phán sắp tới. Sau vòng đàm phán nói trên, quan chức hai nước dự kiến tiếp tục gặp nhau tại Washington trong tuần tới.

Ngay cả khi đang tiến gần một thỏa thuận thương mại, theo đài CNN, 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới này vẫn còn khoảng cách xa trong những vấn đề khác, tiêu biểu là tranh cãi xoay quanh Tập đoàn Thiết bị mạng Huawei của Trung Quốc. Trong 12 tháng qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ép nhiều nước không sử dụng thiết bị của Huawei trong việc phát triển mạng 5G, lấy lý do những sản phẩm của công ty này là mối đe dọa an ninh. Đáp lại, Huawei trong tháng này đệ đơn kiện chính phủ Mỹ vi hiến thông qua hành vi phân biệt đối xử.

Chưa hết, theo trang Bloomberg, Washington còn đang ngày càng quyết liệt trong việc thách thức các lằn ranh đỏ địa - chính trị của Bắc Kinh, như cho tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, công bố báo cáo chỉ trích việc hạn chế đi lại tại Tây Tạng và đón tiếp người Duy Ngô Nhĩ lưu vong tại trụ sở Bộ Ngoại giao. Các động thái này cho thấy sự đối đầu chiến lược đang tăng giữa Mỹ - Trung Quốc mà nhiều nhà quan sát nhận định sẽ tồn tại lâu dài hơn bất kỳ thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung nào đạt được. 

Hải quân Mỹ than khó

Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ đang kiềm chế ảnh hưởng quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực chỉ với phân nửa số tàu ngầm, tàu sân bay và tàu tấn công cần thiết. "Hạm đội hiện nay chỉ có quy mô bằng một nửa những gì tôi yêu cầu Lầu Năm Góc trong tài khóa vừa qua" - Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Lực lượng Hải quân ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nói với các hạ nghị sĩ Mỹ hôm 27-3.

Giờ đây, các tư lệnh Hải quân Mỹ đề nghị khoản ngân sách 22,2 tỉ USD để mua 12 tàu ngầm và tàu chiến mới cho tài khóa 2020. Trong số này có 3 tàu ngầm mới lớp Virginia, 3 tàu khu trục lớp Arleigh Burke và một tàu sân bay lớp Ford. Theo báo The Washington Times, Hải quân Mỹ hiện đặt mục tiêu lâu dài là có một hạm đội 355 con tàu. Thế nhưng, tình trạng thiếu tàu chiến loại lớn, như tàu sân bay và tàu khu trục, khiến lực lượng này có thể gặp bất lợi khi tuần tra ở Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang tăng cường đầu tư vào các loại vũ khí chiến lược và năng lực hàng hải. Báo cáo hồi tháng 1 của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ đã đề cập những bước tiến của Trung Quốc về vũ khí siêu thanh, vũ khí tấn công chính xác và các năng lực khác nhằm đương đầu với khí tài của Hải quân và Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Nếu Bắc Kinh hoàn thiện các công nghệ này và triển khai chúng tại các điểm nóng, các tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương có thể buộc phải thay đổi chiến lược đối với Trung Quốc. 

Lục San

Hoàng Phương - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới