Dự luật cũng yêu cầu các phương tiện truyền thông xã hội phải kèm theo cảnh báo về những nội dung đăng tải mà họ xác định là sai lạc và xóa những bình luận chống lại "lợi ích công cộng". Bước đi này được đưa ra 2 ngày sau khi người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg nói rằng các chính phủ nên đóng vai trò tích cực hơn trong việc quản lý nền tảng trực tuyến này.
Báo The Guardian nhận định động thái này của Singapore sẽ làm dấy lên lo ngại rằng nước này tiếp tục siết môi trường truyền thông vốn được kiểm soát chặt chẽ. Tới đây, văn phòng Facebook, Twitter và Google tại khu vực châu Á đặt trụ sở ở Singapore ắt hẳn chịu nhiều áp lực hơn khi hỗ trợ thực thi đạo luật trên.
Dự luật được đưa ra trong bối cảnh có những bàn luận về một cuộc tổng tuyển cử ở Singapore trong năm nay. Ảnh: AP
Singapore vẫn được lãnh đạo bởi một đảng kể từ khi giành độc lập từ Anh hơn 50 năm trước. Nhà chức trách nước này nói rằng họ dễ bị ảnh hưởng bởi tin giả với vị thế là một trung tâm tài chính toàn cầu, với sự hòa trộn của nhiều dân tộc, tôn giáo và việc truy cập internet dễ dàng. Sau một cuộc kiểm tra tin giả ở Singapore do một ủy ban thuộc quốc hội tiến hành vào năm ngoái, kết luận cho thấy đảo quốc này là mục tiêu của các chiến dịch thông tin thù địch.
Dự luật mới đề xuất chính phủ có thẩm quyền yêu cầu các nền tảng trực tuyến đăng các cảnh báo hoặc các "cải chính" bên cạnh các nội dung chứa thông tin sai lạc mà không cần xóa chúng, để độc giả có thể nhìn thấy được mọi mặt. Bộ trưởng Luật pháp Singapore K. Shanmugam nói với Reutersrằng điều này sẽ cho phép người dân đọc bất cứ thứ gì họ muốn và tự mình quyết định.
Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết: "Trong các trường hợp cực đoan và khẩn cấp, dự luật sẽ yêu cầu các nguồn tin tức trực tuyến gỡ bỏ tin trước khi không thể khắc phục được thiệt hại".
Theo các đề xuất, các biện pháp trừng phạt hình sự sẽ chỉ được áp dụng nếu thông tin sai lạc được lan truyền do "các tác nhân xấu xa" tìm cách "phá hoại xã hội". Bộ trưởng Shanmugam nói thêm rằng họ sẽ cắt đứt "khả năng thu lợi nhuận" của một trang web trực tuyến nhưng không đóng nó nếu đã đăng 3 "điều sai trái" "chống lại lợi ích công cộng" trong khoảng thời gian 6 tháng trước. Cơ quan này không nói sẽ cắt đứt dòng lợi nhuận của trang web đó ra sao.
Dự luật được đưa ra trong bối cảnh có những bàn luận về một cuộc tổng tuyển cử trong năm nay. Bộ trưởng Luật pháp Shanmugam từ chối bình luận khi được hỏi liệu luật mới có liên quan đến cuộc bầu cử hay không.
Facebook, đặt trụ sở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore và gần đây đã tiết lộ kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD vào trung tâm dữ liệu châu Á đầu tiên của mình ở nước này, trước đây đã từng tranh cãi với chính phủ Singapore về tin giả. Thế nhưng, công ty này hồi tháng 1 loan báo họ sẽ thành lập một trung tâm tập trung vào việc giám sát các nội dung liên quan đến bầu cử trong các văn phòng ở Singapore.