G7: Nguy cơ bất hòa xuyên Đại Tây Dương

Thứ năm, 04 Tháng 4 2019 08:55 (GMT+7)
Căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh ở châu Âu cho thấy họ đang tìm mẫu số chung thấp nhất ở những vấn đề từng đồng thuận với nhau

Bộ trưởng ngoại giao thuộc nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) sẽ nhóm họp ở khu nghỉ dưỡng Dinard - Pháp trong 2 ngày 5 và 6-4, chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nhóm nước này sẽ diễn ra ở Biarritz vào tháng 8 năm nay.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan sẽ thay thế Ngoại trưởng Mike Pompeo tham dự hội nghị lần này. Theo hãng tin Reuters, điều đó nhấn mạnh các đồng minh trong G7 khó tìm được điểm chung để nhất trí với nhau đến mức nào.

Nói về sự kiện ông Pompeo vắng mặt, một nhà ngoại giao ở Paris bình luận: "Xét về mặt biểu tượng, điều đó gửi đi một thông điệp khá tiêu cực: Ông Pompeo có những việc có lợi hơn cần phải làm. Mỹ đang bị cô lập nhưng Mỹ giữ nhịp và chúng tôi đi theo".

G7: Nguy cơ bất hòa xuyên Đại Tây Dương - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Hội nghị G7 năm 2018. Ảnh: AP

Mười tháng trước, tại hội nghị của nhóm G7 ở Canada, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến những nỗ lực thể hiện một mặt trận thống nhất của các nhà lãnh đạo khác rơi vào tình trạng hỗn loạn bằng cách bỏ về sớm, rút khỏi thông cáo chung và chỉ trích Thủ tướng chủ nhà Justin Trudeau về các chính sách thương mại. Nay, các nhà ngoại giao cấp cao nhóm này đang cố tránh lặp lại tình huống đó.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, với tư cách chủ tịch luân phiên của nhóm G7, đã thu hẹp tham vọng của mình, dựa trên những tiến bộ nhỏ trong các lĩnh vực có thể dễ dàng tìm được sự đồng thuận, bao gồm cả những mối nguy hiểm của tội phạm không gian mạng đối với nền dân chủ và giải quyết những bất bình đẳng giữa nam và nữ.

Các nhà ngoại giao hàng đầu G7 sẽ thảo luận về một loạt vấn đề - bao gồm tình hình ngày càng xấu đi ở Venezuela, hành vi gây bất ổn của Iran ở Trung Đông, hành động có trách nhiệm của các nước trên không gian mạng và phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Thế nhưng, căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh ở châu Âu - nhất là về các vấn đề thương mại và khí hậu cũng như thỏa thuận hạt nhân với Iran - cho thấy rằng nay họ đang tìm mẫu số chung thấp nhất ở những vấn đề từng đồng thuận với nhau.

Tình hình hoàn toàn phức tạp, không chỉ với châu Âu mà cả các nước "không phải là Mỹ" trong nhóm G7 - đó là nhận định của chuyên gia Manuel Lafont Rapnouil, trưởng văn phòng ở Paris của Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại. Còn ông Benjamin Haddad, Giám đốc sáng kiến châu Âu tương lai tại Hội đồng Đại Tây Dương, lưu ý rằng các hội nghị G7 trước đây đã không thành công cho lắm và Tổng thống Trump không ủng hộ chủ nghĩa đa phương. Tuy nhiên, chuyên gia này bày tỏ hy vọng sẽ luôn luôn có sự mong muốn hợp tác, chẳng hạn trong việc đối phó với Trung Quốc, trong khi các nước châu Âu bắt đầu cho thấy lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.

Trong khi đó, một nguồn tin ngoại giao Pháp khẳng định mục đích của hội nghị G7 là xây dựng sự đồng thuận về các vấn đề. Tuy nhiên, nhắc lại sự chua cay khi Canada làm chủ tịch nhóm G7, nguồn tin trên cho rằng một trong những thách thức của Pháp với tư cách chủ tịch G7 là kiềm chế tất cả. Theo nguồn tin này, Tổng thống Pháp để hết tâm trí vào công việc này và người Pháp vẫn thường xuyên đối thoại với các đồng nghiệp Mỹ. 

LỤC SAN - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới