Theo Reuters, một bước đi như thế - có thể được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố sớm nhất là vào đầu tuần tới - đánh dấu lần đầu tiên Washington chính thức xem quân đội nước khác là nhóm khủng bố. Động thái này còn là bước leo thang lớn trong chính sách gây áp lực của Mỹ lên Iran, bắt đầu từ việc Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran vào tháng 5 năm ngoái và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt từng bị đình chỉ sau khi thỏa thuận này đạt được năm 2015.
Tuy nhiên, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman lo ngại việc IRGC bị trừng phạt toàn diện sẽ gây nguy hiểm cho lực lượng Mỹ tại khu vực. Cảnh báo của bà Sherman không phải thiếu cơ sở khi IRGC chịu trách nhiệm kiểm soát chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Iran. Ngoài ra, Tehran từng tuyên bố tên lửa họ có tầm bắn lên đến 2.000 km, đe dọa đánh trúng các mục tiêu ở Israel và căn cứ quân sự Mỹ tại khu vực.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Ảnh: REUTERS
Được thành lập sau Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, IRGC là tổ chức an ninh hùng mạnh nhất nước, kiểm soát các lĩnh vực lớn của nền kinh tế và có ảnh hưởng rất lớn trong hệ thống chính trị Iran. Trong khi đó, lực lượng viễn chinh của IRGC là Quds đã tham gia nhiều cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, cũng như các nhóm phiến quân chống chính quyền Damascus.
Trong quá khứ, Mỹ đã đưa hàng chục thực thể và cá nhân liên kết với IRGC vào danh sách đen. Vào năm 2007, Bộ Tài chính Mỹ đưa lực lượng tinh nhuệ Quds của IRGC vào danh sách đen với cáo buộc "hỗ trợ khủng bố" và mô tả đây là "cánh tay đắc lực" của Iran trong việc thực hiện chính sách ủng hộ các nhóm khủng bố và nổi dậy.
Những người chỉ trích lo ngại bước đi trên của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể khiến các quan chức quân sự, tình báo Mỹ đối mặt những hành động tương tự từ các chính phủ nước ngoài không thân thiện. Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia thuộc quốc hội Iran Heshmatollah Falahatpisheh cảnh báo Tehran sẽ liệt quân đội Mỹ vào "danh sách khủng bố" của mình nếu Washington có bước đi tương tự đối với IRGC.
Đáng chú ý là thông tin trên được hé lộ giữa lúc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đối mặt cuộc bầu cử khó khăn vào ngày 9-4, dẫn đến phỏng đoán Washington muốn giúp nhà lãnh đạo này kiếm thêm phiếu bầu. Thủ tướng Israel lâu nay xem Iran là mối đe dọa đối với nước mình và từng đe dọa tấn công hạt nhân Damascus và Tehran bởi sự hiện diện của IRGC ở Syria. Trước đó, ông Trump đã có một số bước đi khác nhằm ủng hộ ông Netanyahu, như công nhận cao nguyên Golan là của Israel và di dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel tới Jerusalem.
Xuân Mai - (nld.com.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)