Chảo lửa Trung Đông và tương lai của Libya

Thứ hai, 08 Tháng 4 2019 14:06 (GMT+7)
Tình hình ở Libya đang được đẩy đến bên một bước ngoặt lịch sử mới mà hiện không ai dám chắc sẽ dẫn đến đâu, có thể đến hoà bình và hoà giải nhưng cũng có thể đến chiến tranh và nội chiến.

chao lua trung dong va tuong lai cua libya hinh anh 1

Chiến sự lại sôi động ở Libya với việc Quân đội quốc gia Libia (LNA) của tướng Khalifa Haftar bắt đầu cuộc tấn công về thủ đô Tripolis. Ông Haftar không dấu diếm chủ ý giành về quyền kiểm soát thủ đô, tức là lật đổ chính phủ thống nhất dân tộc hiện tại của thủ tướng do LHQ chỉ định Feyez al-Sarraij. Một năm rưỡi trước đây, cộng sự thân cận của tướng Haftar là trung tướng  Abdulrazik al-Nadori đã tuyên cáo việc này khi trả lời phỏng vấn của báo chí châu Âu. Có thể thấy ông Haftar và phe cánh của mình đã ấp ủ ngay từ đầu và kiên định quyết tâm thực hiện từ đó đến nay chủ trương thay thế chính phủ ở Tripolis được LHQ công nhận và ủng hộ hoặc ít nhất thì cũng ở trên thế mạnh nhất trong mọi khả năng giải pháp chính trị về hoà bình, hoà hợp và hoà giải dân tộc ở Libya. Những năm tháng vừa qua rõ ràng là thời gian ông Haftar cùng phe cánh của mình tiếp tục xây dựng và củng cố lực lượng cũng như chờ đợi thời cơ. Xem ra, người này cho rằng bây giờ là lúc thời cơ đã đến.

Không đáng chú ý sao được khi chiến dịch quân sự này được phía LNA thực thi vào thời điểm ngay trước thời điểm LHQ tổ chức hội nghị quốc tế lớn về hoà bình cho Libya ở thành phố Ghadames của Libia (từ 14 đến 16.4 tới) và tổng thư ký LHQ Antonio Guterres có mặt ở Libya.

Mục đích của ông Haftar với việc tiến hành cuộc tấn công vào Tripolis, tức là vào chính quyền do LHQ dựng nên và hậu thuẫn, chỉ có thể trước hết là biểu thị sức mạnh và ưu thế về quân sự ở Libya, là tập hợp lực lượng vũ trang không phải là duy nhất nhưng mạnh nhất hiện tại ở Libya. Với chiến dịch quân sự này, ông Haftar và cộng sự muốn hội nghị kia không diễn ra hoặc diễn ra không thành công hay nếu có thành công thì phần thắng lớn nhất và có ý nghĩa cơ bản nhất thuộc về phe cánh của ông Haftar. Nói theo cách khác, ông Haftar muốn phát đi thông điệp là đã đến lúc phe cánh của mình quyết định vận mệnh tương lai của Libya hoặc ít nhất thì cũng đóng vai trò quyết định nhất đối với vận mệnh tương lai ấy chứ không phải chính quyền hiện tại ở Tripolis hay các bộ tộc hoặc nhóm phái vũ trang khác ở Libya.

Tương lai của Libya bị tác động trực tiếp vì thế. Cả khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp về chính trị an ninh vì thế. Chiến tranh sẽ xảy ra nếu như rồi đây có bên ngoài can thiệp quân sự trực tiếp như Nato và đồng minh cách đây 8 năm. Nội chiến sẽ xảy ra nếu như những nhóm phái vũ trang hiện tại ở Tripolis và vùng ngoại ô đứng về phía chính phủ của ông Sarraij. Còn nếu những nhóm phái này ngả sang ủng hộ, đồng hành hoặc làm ngơ với phe cánh của ông Haftar thì việc thủ đô Tripolis bị thất thủ và chính thể hiện tại bị lật đổ chỉ là vấn đề thời gian.

Sau những gì đã xảy ra ở Libya trong 8 năm qua thì tất cả các đối tác bên ngoài hiện đều hết sức ngại ngần với việc lại can thiệp quân sự trực tiếp vào Libya. Mỹ, Anh, Pháp, Italy và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã cùng nhau ra tuyên bố với nội dung lên án "các hành động quân sự" và doạ sẽ "trừng phạt bất kể ai làm cho tình hình trở nên căng thẳng".

Cùng với Ai cập và có tin cho rằng cả Nga nữa, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất thuộc về những đối tác bên ngoài ủng hộ phe cánh của ông Haftar trong khi Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cùng LHQ ở phe chính phủ thống nhất dân tộc. Cho nên tuyên bố kia của các nước nói trên được hiểu là hậu thuẫn phe cánh của ông Haftar và răn đe những nhóm phái vũ trang khác ở Libya cũng như Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tình hình ở Libya đang được đẩy đến bên một bước ngoặt lịch sử mới mà hiện không ai dám chắc sẽ dẫn đến đâu, có thể đến hoà bình và hoà giải nhưng cũng có thể đến chiến tranh và nội chiến. Nhưng nhiều khả năng các đối tác bên ngoài sẽ không để cho chiến tranh tái bùng phát và sẽ gây áp lực buộc các đối tác bên trong phải kiềm chế xô đẩy nhau vào nội chiến. Tình hình càng hỗn loạn và mất an ninh, ổn định thì kẻ được lợi nhất lại là lực lượng khủng bố và Hồi giáo cực đoan. Bài học đắt giá về và với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria chắc chắn là một trong những cảnh tỉnh vẫn rất thời sự và thậm chí còn thời sự hơn khi nào hết đối với tất cả các bên liên quan đến Libya.

Đại sứ Trần Đức Mậu - (danviet.vn)

T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới