Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 11-4 dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố nước này cần phải "giáng một đòn nghiêm trọng" vào các thế lực thù địch áp đặt lệnh trừng phạt lên Bình Nhưỡng. Để làm được điều này, ông Kim khẳng định Triều Tiên cần phải "xây dựng xã hội chủ nghĩa đến mức độ tự lực cao, phù hợp với hoàn cảnh và đất nước chúng ta, dựa trên sức mạnh, công nghệ và tài nguyên của nước nhà".
Thông điệp mạnh mẽ trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in hội đàm tại Nhà Trắng trong ngày 11-4 để bàn bạc về giải pháp thuyết phục Triều Tiên quay lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, thông điệp nêu trên đã đặt ra thách thức cho Tổng thống Moon về việc tìm kiếm điểm chung giữa yêu cầu gỡ bỏ lệnh trừng phạt của Triều Tiên và yêu cầu phi hạt nhân hóa của Mỹ.
"Triều Tiên có ý nói rằng họ sẽ chấm dứt đàm phán nếu lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ không thể hiện được sự linh hoạt trong vấn đề trừng phạt. Thông điệp đó là một gánh nặng đối với Tổng thống Moon" - ông Shin Beom-chul, Giám đốc Trung tâm An ninh và Thống nhất thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc), nhận định.
Theo trang Bloomberg, một quan chức cấp cao giấu tên của Triều Tiên đã khẳng định với các phóng viên tại Bình Nhưỡng vào tháng rồi rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đưa ra quyết định "trong một thời gian ngắn" về việc liệu có nên tiếp tục "đóng băng" các vụ thử nghiệm bom và tên lửa hay không. Ông Lee Do-hoon, đặc phái viên về các vấn đề an ninh và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên của Hàn Quốc, cho biết các bên đang "chạy đua với thời gian" để đưa Triều Tiên và Mỹ quay lại đàm phán.
"Nếu chúng ta để thời gian trôi qua mà không tiến hành đối thoại hay đàm phán, Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ sẽ đi đến một tình huống mà không ai có lợi" - ông Lee nhìn nhận.
Ông Kim Jong-un tại Hội nghị toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên hôm 10-4. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Trump trước đó đã yêu cầu Tổng thống Moon đóng vai trò trung gian, tạo điều kiện thuận lợi để ông tiếp tục gặp gỡ ông Kim trong tương lai. Tuy nhiên, việc thuyết phục Triều Tiên quay lại bàn đàm phán là điều không dễ dàng. Gần 6 tuần kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, cả hai bên vẫn chưa tổ chức bất cứ cuộc họp song phương nào.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến giờ vẫn chưa thể đưa ra một lộ trình rõ ràng về việc mở lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, khiến chính quyền Tổng thống Trump không còn nhiều phương án để "cứu vãn các cuộc đàm phán". Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 10-4, ông Pompeo thậm chí không thể trả lời những câu hỏi cơ bản, như liệu hai bên đã nhất trí về khái niệm "phi hạt nhân hóa" hoàn toàn và có thể kiểm chứng hay chưa?
Một chuyên gia về chính sách châu Á cho báo The Washington Post hay phía Mỹ đã gửi một thông điệp rằng họ đã sẵn sàng quay lại đàm phán nhưng đến giờ vẫn chưa được Triều Tiên hồi âm. Vị này khẳng định chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cạn dần thời gian.
Dù vậy, theo đài Fox News, việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 3 với kết quả tích cực tuy "không dễ" nhưng không phải là bất khả thi bởi Tổng thống Trump vẫn còn "niềm tin". Đây là khía cạnh mà từ đó, Tổng thống Moon có thể "tạo ra sự khác biệt". Trong thời gian qua, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã thực hiện rất tốt vai trò trung gian và hiện tại, ông "quyết tâm hơn bao giờ hết để thuyết phục Tổng thống Trump quay lại đàm phán với Triều Tiên" - theo ông David Kim, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ.
Theo báo Chosun Ilbo, văn phòng Tổng thống Moon Jae-in đã liên lạc với Triều Tiên để bàn bạc về việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27-4, nhân dịp kỷ niệm 1 năm ngày hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần đầu.