Đêm 15-4-2019 (giờ Paris), hình ảnh trực tiếp truyền khắp thế giới cảnh Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong biển lửa làm bàng hoàng không chỉ người Pháp, người yêu nước Pháp, người sử dụng tiếng Pháp, mà còn tất cả những ai yêu mến Paris, yêu mến những giá trị lịch sử văn hóa cao đẹp của nhân loại.
Cầu nguyện bên bờ sông Seine trong đêm xảy ra vụ cháy
Mái nhà thờ còn sót lại
GỖ KHÔ LÂU NĂM BẮT LỬA NÊN KHÔNG THỂ DẬP
Lửa đỏ rực cả một vùng trời kèm theo khói bụi mù mịt. Hơn 400 lính cứu hỏa được huy động. Các nhà chức trách của Paris, và ngay cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Edouard Philippe cũng chạy đến hiện trường chứng kiến cuộc chiến với thần lửa của các lính cứu hỏa. Người dân có mặt trước nhà thờ thì quỳ xuống cầu nguyện, hát thánh ca trong nước mắt…
Đến 23 giờ, các nhà chức trách thông báo đã "kiểm soát" được đám cháy. Tổng thống Pháp sau đó cũng đích thân vào bên trong nhà thờ để trực tiếp nắm tình hình. Thiệt hại ban đầu là: 75% mái nhà thờ bị cháy rụi, tháp nhọn cao phía trên mái nhà thờ bị sập và cháy thành tro bụi, 1 lính cứu hỏa bị thương nặng…
Nhà thờ Đức Bà Paris nhìn từ trên cao sau thảm họa đêm 15, rạng sáng 16-4
Khung mái nhà thờ này vốn bằng gỗ từ thế kỷ 12. Gỗ được ước tính khi ấy đã có tuổi đời từ 300 năm, tức là gỗ phải có tuổi thế kỷ 8-9. Khung mái của thế kỷ 12 sau đó được tháo dỡ, và gỗ được dùng lại cho khung mái đầu thế kỷ 13. Đến thế kỷ 19, một phần khung của mái này được làm lại trong một đợt đại trùng tu khi đó. Khung mái Nhà thờ Đức Bà Paris được mệnh danh là "Rừng" vì, bằng gỗ sồi, mà mỗi cây đà của khung mái đều lấy từ 1 cây khác nhau. Khung mái có thể đã sử dụng đến 1.300 cây sồi, ước tính khoảng 21 ha rừng!
Bên trong Nhà thờ
Tháp nhọn đầu tiên của nhà thờ được xây dựng vào giữa thế kỷ 13. Khi ấy tháp này là một gác chuông, và đến thế kỷ 17 thì tháp này chứa đến 5 chiếc chuông. Rồi đến cuối thế kỷ 18, tháp bị tháo đi. Những năm 50-60 của thế kỷ 19, trong đợt đại trùng tu nhà thờ, kiến trúc sư Viollet-le-Duc đã dựng lại tháp nhọn thứ 2. Trong lần dựng lại này, tháp nhọn không còn là gác chuông nữa. Khung tháp nhọn với 500 tấn gỗ, bên ngoài phủ 250 tấn chì, cao 93 m từ mặt đất.
Trên đỉnh của tháp nhọn có tượng 1 chú gà trống. Tượng này có chứa 3 linh vật: một phần của Mão Gai (tương truyền là chiếc mũ gai mà lính La Mã hồi ấy đội cho chúa Jesus trước khi đưa lên thánh giá); một di vật của Thánh Denis; một di vật của thánh Geneviève.
Như vậy một phần khung mái là từ thế kỷ 12-13, một phần là từ thế kỷ 19, còn tháp nhọn bị ngã vừa qua là thế kỷ 19. Khung đều làm bằng gỗ với độ khô lâu năm (hình phía trên), nên khi bắt lửa thì không thể nào dập tắt cho được. Thêm vào đó, vòi xịt cứu hỏa chỉ đạt độ cao 30m, trong khi tháp nhọn cao hơn 90 m.
Đang trong cảnh nước sôi lửa bỏng, Tổng thống Mỹ trên trang Twitter cá nhân đã "dạy" cho người Pháp nên dùng trực thăng đổ nước, thế nhưng nhà chức trách Pháp đã giải thích rằng bằng cách đó sẽ sụp cả nhà thờ.
CẤU TRÚC CƠ BẢN ĐƯỢC CỨU
Kể như trong cái xui còn có cái may: cấu trúc cơ bản của nhà thờ đã được cứu. Hai tháp chuông mặt trước nhà thờ không bị tổn thất. Các cửa kính màu tuyệt mỹ cũng không bị ảnh hưởng nhiều…
Hầu hết các bửu vật (tôn giáo) đều thoát khỏi bàn tay của hỏa thần. Chiếc mũ gai, chiếc áo của vua Saint-Louis đã được cứu. Saint-Louis tức là vua Louis IX của Pháp, đã chết vì bệnh khi đích thân tham gia một trong những cuộc chiến trong một loạt các cuộc Thập Tự Chinh của người Thiên Chúa Giáo phương Tây hồi các thế kỷ 10-11-12-13. Chiếc mũ gai là một trong 3 bửu vật của đấng Ki-Tô được giữ tại Nhà Thờ Đức Bà Paris, cùng với: 1 chiếc đinh và 1 mảnh của cây thánh giá.
16 bức tượng quý cũng được bề trên cứu đi kể như trong gang tấc. Số là xung quanh chân tháp nhọn có bố trí 12 tượng của 12 vị cao đồ của đức Jesus, được bố trí làm 4 hàng, mỗi hàng có 1 trong "4 Thánh Sử" (Người, Sư Tử, Đại Bàng, Bò). Ngày 11-4-2019, tức trước đám cháy 4 ngày, 16 pho tượng đã được tháo xuống mang đi trùng tu và dự kiến sẽ mang trả về chỗ cũ vào năm 2020.
ĐIỀM?
Trong 12 tượng nói trên, tương truyền kiến trúc sư Viollet-le-Duc đã đưa hình ảnh của mình vào tượng thánh Thomas. Trong 12 bức tượng, 11 tượng hướng nhìn thành phố Paris, chỉ có tượng Thomas là nhìn ngược lại tháp nhọn. Người ta cho rằng phải chăng ông linh cảm được số phận của chiếc tháp mình tạo ra nên nhìn nó lần cuối?
Trước khi Viollet-le-Duc dựng tháp nhọn khoảng 30 năm, trong kiệt tác "Notre-Dame de Paris" (Nhà Thờ Đức Bà Paris) (năm 1831) của Victor Hugo có nhiều đoạn mà giờ đọc lại thấy rùng mình (lược dịch):
- "Mọi ánh mắt đổ dồn về phía trên mái nhà thờ với một cảnh tượng hãi hùng… một đám cháy lớn đang bùng lên giữa 2 tháp chuông….một đám cháy hỗn loạn và giân dữ, và từng hồi, từng hồi gió cuốn ngọn lửa vào trong biển khói".
Tương truyền khi ấy Nhà Thờ Đức Bà đã bị hư hại nghiêm trọng theo thời gian, nên Victor Hugo mới viết tiểu thuyết này để kêu gọi sự chú ý của mọi người nhằm cứu nhà thờ. Trong chương mang tên "Notre-Dame", Hugo viết: "Rõ ràng là hiện tại, còn một công trình uy nghi và thanh thoát là Nhà thờ Đức Bà Paris".
Và trong lời tựa tiểu thuyết, Victor Hugo viết:"Nhà thờ sẽ tự biến mất trên cõi đời này".
NỖI BUỒN CHUNG
Từ trong nước Pháp đến cộng đồng quốc tế đều lên tiếng bày tỏ tình cảm đặc biệt với Nhà thờ Đức bà Paris. Có thể đọc được những từ như "Biểu tượng của nước Pháp", "Thảm họa kinh hoàng", "cảnh tượng xé lòng"…
Người dân Pháp và Paris xuống đường cầu nguyện
Tòa thánh Vatican cũng bày tỏ "sự bàng hoàng" và "buồn bã". UNESCO cũng lên tiếng chia buồn và tuyên bố sẽ hỗ trợ Pháp tái thiết nhà thờ. Trong nước thì 2 cựu Tổng thống gần nhất là Nicolas Sarkozy và Francois Hollande cũng bày tỏ tình cảm với Nhà thờ Đức Bà Paris. Các đảng phái 2 cánh tả hữu đều có tiếng nói chung là đau buồn cho Nhà thờ Đức Bà Paris - một sự đồng thuận hiếm hoi trong bối cảnh đời sống chính trị Pháp rối từ mấy tháng qua.
Từ nhiều tháng nay, phong trào Áo Vàng làm đảo lộn đời sống chính trị tại Pháp. Tổng thống Macron từ nhiều tuần nay đã buộc phải cho ra đời cái gọi là "Cuộc thảo luận quốc gia", tức là lấy ý kiến của toàn thể dân chúng để xem ai hài lòng cái gì và bất mãn cái gì.
Quả thật hiện tại, người Pháp còn đầu óc đâu mà nghĩ chuyện khác. Mất mát này là quá lớn. Thiệt hại vật chất còn có thể tính được nhưng những mất mát phi vật chất là không thể nào tính được. Và cho dù nước Pháp có xây dựng lại mái nhà thờ-khung mái nhà thờ đẹp hơn, sang hơn…nhưng phải chờ đến hơn 800 năm nữa thì mới tích lũy đủ số thâm niên lịch sử…Và dù có đủ số thâm niên lịch sử thì những thăng trầm trải qua của Nhà thờ Đức Bà Paris từ Trung cổ đến hiện tại thì trong tương lai chúng ta cũng không thể nào tìm ra những trải nghiệm giống như vậy được…
Năm 2013, Nhà thờ Đức Bà Paris kỷ niệm 850 tuổi. Giữa thế kỷ 19 Nhà thờ Đức Bà Paris được đại trùng tu 1 lần, và lần này là lần đại trùng tu lần thứ 2 (và công trình sửa chữa Tháp nhọn và mái nhà thờ là giai đoạn đầu của công trình tổng thể 150 triệu euro). Qua bao thăng trầm lịch sử, qua bao cuộc chiến từ thời Trung cổ, thậm chí trong Thế chiến thứ 2 Paris còn rơi vào tay của ngoại bang, qua bao bất ổn an ninh với nhiều vụ khủng bố kinh hoàng…qua nhiều nhiều thứ nữa… mà Nhà Thờ Đức Bà Paris vẫn hiên ngang cùng tuế nguyệt.
Vậy mà hôm nay lửa đã thiêu đốt nhiều thứ…
ĐAU BUỒN THAY!!!
Các tờ báo lớn của Pháp thì đều dành trang nhất đăng những hình ảnh là tựa thương tâm cho vụ hỏa hoạn
- Tờ La Croix: "Trái tim thành tro bụi".
- Tờ Libération: "Thảm kịch của chúng ta" "Notre Drame" (tờ báo chơi chữ: trong tiếng Pháp DAME là người đàn bà, thêm R vào sau D sẽ có DRAME là thảm kịch).
- Le Figaro: "Nhà thờ Đức Bà Paris, Thảm họa".
- Les Echos: "Thảm kịch Paris".
- Le Parisien: "Nhà thờ Đức Bà của Nước mắt" .
- La Marseillaise: "Nhà thờ Đức bà Paris, một thảm họa, một cú sốc cho cả nước".
- Le Soir: "Lửa và nước mắt"…
Tiến sĩ Lê Hồng Phước - Phó Khoa Ngữ văn Pháp ĐH KHXHNV TP HCM - Ảnh: REUTERSS, AP, Daily Mail