Theo báo The Washington Post hôm 18-4, trước tình hình nguy hiểm nói trên, chỉ huy lực lượng cứu hỏa Paris Jean-Claude Gallet đã ra lệnh cho các nhân viên của mình rút lui.
Mất đi một di tích thời Trung Cổ là một điều tồi tệ nhưng để lính cứu hỏa mạo hiểm, có thể dẫn tới mất mạng, sẽ là một điều tệ hơn. Tuy nhiên, ông Gallet đã có một kế hoạch dự phòng, đó là vũ khí bí mật Colossus – một con robot giống xe tăng nặng gần nửa tấn với khả năng hoạt động tại các khu vực mà con người không dám dặt chân tới.
Colossus đã dùng vòi rồng phun hơn 660 gallon (2.500 lít) nước/phút vào các bức tường đá của nhà thờ để hạ nhiệt độ.
Robot Colossus đã được sử dụng trong vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: The Washington Post
"Thời gian đã chống lại chúng tôi, gió đã chống lại chúng tôi và chúng tôi phải chiếm thế thượng phong. Ưu tiên của chúng tôi là cứu hai tháp chuông. Hãy tưởng tượng chúng có thể sụp đổ. Chúng tôi lo sợ điều đó" – phát ngôn viên lực lượng cứu hỏa Paris Gabriel Plus nói với báo The Washington Post.
Công ty Shark Robotics (Pháp), đơn vị chế tạo Colossus, cho biết con robot này được triển khai cùng với Lữ đoàn cứu hỏa Paris. Nó sở hữu chiều rộng 76 cm và chiều dài 1,6 m, được vận hành từ khoảng cách xa 300 m.
Colossus được vận hành bằng cần điều khiển, có khả năng chống nước, chống cháy, thậm chí chịu được bức xạ nhiệt. Đáng chú ý, robot có thể bò lên cầu thang.
Lửa cháy âm ỉ sáng 16-4. Ảnh: Reuters
Colossus sử dụng pin lithium ion và có thể hoạt động 8 giờ liên tục. Robot cũng có thể được trang bị máy ảnh, cảm biến và quạt hút khói.
Phó Chủ tịch bộ phận nghiên cứu và phát triển của Công ty tư vấn và kỹ thuật an toàn Jensen Hughes, Brian Lattimer, nói rằng trong tương lai gần, robot sẽ được trang bị các cảm biến cho phép chúng nhìn xuyên qua khói và hơi nước nặng, xác định vị trí chướng ngại vật và "điểm nóng" để phun nước.
Còn hiện tại, một trong những nhược điểm của robot là chúng chỉ hoạt động tốt nhất trong môi trường mở như nhà kho hoặc nhà thờ, những nơi có không gian rộng rãi.