Một buổi chiều ngày 15-4-2019, thánh đường Notre Dame de Paris bị bốc cháy từ bên trong. Ngọn lửa trở nên dữ dội sau đó. Trên 400 lính chữa lửa của TP Paris ra tay cứu chữa cho tới gần 12 giờ đêm mới bắt đầu dập tắt được lửa bên trong. Một người lính chữa lửa bị thương nặng nhưng ngôi thánh đường được cứu thoát. Hai tòa tháp vẫn còn y nguyên, chỉ có 2/3 mái vòm bị thiêu rụi. Ngọn tháp cao vút được dựng lên vào cuối thế kỷ thứ 19 đã ngã xuống. Tất cả cảnh điêu tàn của ngôi thánh đường đã được báo chí Pháp và thế giới miêu tả tường tận mà tôi không cần phải kể lại đây.
- Tờ Libération: "Thảm kịch của chúng ta" "Notre Drame" (tờ báo chơi chữ: trong tiếng Pháp DAME là người đàn bà, thêm R vào sau D sẽ có DRAME là thảm kịch).
- Le Figaro: "Nhà thờ Đức Bà Paris, Thảm họa". (Notre Dame de Paris: Le Désastre)
- Le Monde: "Nhà thờ Đức Bà - Lịch sử của chúng ta".(Notre Dame de Paris , notre histoire)
Và tất cả đài phát thanh (RFI, France Culture, France Inter, vv….), đài truyền hình Pháp (TF1 , A2, FR3, vv), luôn các báo chí TV thế giới đều thông báo.
Hầu hết các lãnh tụ trên thế giới gửi lời chia buồn trước cảnh thảm họa hy hữu. Các đảng phái hữu, tả bên Pháp đều đồng lòng đoàn kết trong giai đoạn lịch sử hiếm hoi này.
Vụ hỏa hoạn xảy ra tại Thánh đường Notre Dame de Paris hôm 15-4. Ảnh : AP
MAY MẮN
Mặc dù thánh đường bị cháy, gây tổn thất nặng nề, rất may là một số lớn báu vật bên trong vẫn còn nguyên vẹn. Bàn thờ chánh điện, tượng đức mẹ bồng chúa Giê Su bằng đá không bị hư hao. Cây thánh giá ở chánh điện không bị cháy.
Cái lạ là cây đàn orgue với 8.000 ống loa không bị hư hao, còn y nguyên. Sức nóng của lửa không làm sai cao độ âm thanh và đã được kiểm chứng với ông Vincent Dubois, nhạc sĩ đã đàn trên 35 năm tại nhà thờ này.
Cái may mắn nữa là các tượng đồng và những vật liệu quý giá đã được di chuyển hôm 12-4-2019, trước khi khởi sự trùng tu sau lễ Phục sinh (21-4-2019). Nhờ vậy mà các báu vật này được cứu thoát.
Phép lạ cho thấy là con gà của ngọn tháp bị cháy ngã xuống vẫn còn y nguyên khi rớt xuống đống tro tàn mà không bị nóng chảy hay hư hao gì hết.
VÀI SỰ KIỆN LỊCH SỬ
Cách đây hơn 8 thế kỷ, vào năm 1163, vua nước Pháp thời bấy giờ là Louis VII và Đức Giáo hoàng Alessandro III đặt viên đá đầu tiên để khởi công xây cất Nhà thờ Đức Bà Paris.
Giai đoạn đầu là xây dựng chính điện thánh đường do giám mục Maurice de Sully điều hành. Mãi đến hai thế kỷ sau, công trình xây cất mới chính thức hoàn tất.
Từ ngày đặt viên đá xây dựng đầu tiên cho tới tận ngày hôm nay, hình tượng của Nhà thờ Đức Bà Paris đã gắn liền với lịch sử nước Pháp. Chính tại nơi này vào năm 1230, vua Saint-Louis đã làm lễ rước vòng gai của Chúa. Đội quân Thập Tự Chinh đã đưa thánh tích này từ Constantinople về Paris. Năm 1455, phiên xử nhằm minh oan và phục hồi danh dự của thánh Jeanne d’Arc đã diễn ra tại chính điện Nhà thờ Đức Bà Paris.
Hơn ba thế kỷ sau, hoàng đế Napoléon Đệ Nhất đã chọn nơi này làm lễ đăng quang vào năm 1804, với sự hiện diện của Đức Giáo hoàng Pie VII. Vào cuối tháng 8-1944, chuông nhà thờ đã ngân vang khi tướng De Gaulle bước vào chính điện để tưởng niệm các binh sĩ trận vong nhân ngày giải phóng thủ đô Paris khỏi ách chiếm đóng của quân đội Đức Quốc Xã.
Hai vị tổng thống Pháp là Tướng Charles de Gaulle và François Mitterrand được làm lễ quốc táng tại thánh đường Notre Dame de Paris.
PHẢN ỨNG CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM TẠI PHÁP
Tất cả cộng đồng Việt Nam ở Pháp từ người có đạo thiên chúa, tới người đạo phật hay ngoại đạo đều bày tỏ sự đau buồn và thương tiếc một di sản văn hóa phi vật thể thế giới được UNESCO phong tặng vào năm 1991.
Tôi có dịp thăm viếng thánh đường Đức Bà Paris nhiều lần vì tôi có học khóa nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Pháp thời Trung cổ tại Ecole du Louvre vào năm 1961. Nhờ đó tôi hiểu thêm sự khác biệt giữa các loại gothic: classique (cổ điển), rayonnant (rạng rỡ) và flamboyant (rực lửa). Nhà thờ Đức Bà Paris thuộc loại gothic rạng rỡ (từ 1230 tới 1350). Mỗi lần có bạn từ phường xa tới, tôi đều đưa đi chiêm ngưỡng ngôi nhà thờ huy hoàng này.
Giờ đây, chắc phải đợi một thời gian khá lâu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố hôm 16-4 là ông sẽ xúc tiến việc sửa sang ngôi nhà thờ trong thời gian 5 năm. Theo tôi nghĩ là ông muốn du khách khi tới Paris dự thế vận hội 2024 được tổ chức tại Paris sẽ được xem ngôi nhà thờ cổ kính đầy di tích lịch sử.
THÁNH NHẠC SÁNG TÁC TỪ THỜI KHỞI CÔNG XÂY NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
Ngay từ thời khởi công xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris, đã nảy sinh một phong trào sáng tác thánh nhạc. Phong trào này đánh dấu ngày khai sinh thể loại thánh ca đa âm phức điệu không những ở Pháp mà còn trên toàn châu Âu. Trước đó, vào thời Trung Cổ, thánh ca nhà thờ thường theo truyền thống đơn âm như thánh ca Gregory, ban đầu chỉ phổ biến trong các tu viện. Phong trào này sẽ phát triển rất mạnh, hình thành nguyên một trường phái riêng biệt hẳn hoi trong âm nhạc hàn lâm, cổ điển và nhiều tác giả lớn trải qua nhiều thế kỷ sau đó tại châu Âu từ Johannes Brahms, Anton Bruchner đến Félix Mendelson, từ Wolfgang Amadeus Mozart đến Johann Sebastian Bach đều đã góp công sáng tác làm giàu thêm bộ vựng tập.
Khoa thánh nhạc của Nhà thờ Đức Bà Paris chẳng những duy trì truyền thống này mà còn tìm cách khuyến khích các soạn giả thời nay tiếp tục con đường sáng tác thánh nhạc như trường hợp của nhạc sĩ Yves Castagnet. Ngoài ca đoàn của Nhà thờ Đức Bà Paris, chúng tôi còn mời nhiều ca đoàn đến từ các quốc gia khác sang Paris biểu diễn. Các buổi trình diễn ở đây đều miễn phí vì mục tiêu hàng đầu không phải là kinh doanh lợi nhuận hay nhằm mục đích tiêu khiển giải trí, mà là làm giàu đời sống tâm linh của khách hành hương hay người thăm viếng đến từ thập phương.
NHẠC KỊCH NOTRE DAME DE PARIS của Pháp được vang danh thế giới
Notre-Dame de Paris là một vở nhạc kịch, lần đầu tiên được biểu diễn vào ngày 16-9-1998 tại Paris ở Palais des congrès. Chương trình này được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của Victor Hugo. Nhà viết lời là Luc Plamondon và nhà soạn nhạc, Richard Cocciante.
Hai nghệ sĩ đầu tiên là Hélène Ségara trong vai Esmeralda và GAROU trong vai Quasimodo.
Vở nhạc kịch thành công này đã được trình diễn tại hơn 20 quốc gia và đã được điều chỉnh bằng 9 ngôn ngữ (tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, tiếng Hàn, tiếng Hà Lan, tiếng Ba Lan và tiếng Quan thoại) cho hơn 4.300 buổi biểu diễn. Ngày 5-1-2019 đánh dấu buổi biểu diễn thứ 5.000 như một phần của lễ kỷ niệm 20 năm của vở nhạc kịch này.
"Chương trình đã được phát ở Seoul trong mười năm, đầu tiên là tiếng Pháp, sau đó là tiếng Anh và sau đó là tiếng Hàn" - nhà soạn nhạc Richard Cocciante nói. ‘’Tôi trở về từ Kazakhstan, có tổng thống yêu cầu chúng tôi điều chỉnh chương trình bằng tiếng Kazakhstan. Tôi hy vọng sẽ giới thiệu vở kịch này một ngày tại Việt Nam nơi tôi sinh ra (sinh ở Sài Gòn ngày 20-2-1946, cha người Ý, mẹ người Pháp). Ở mỗi nước, tôi đến đó để tuyển dụng ca sĩ. Đó là vở nhạc kịch được chơi nhiều nhất trên thế giới’’- nhà soạn nhạc này nói thêm.