Hy vọng nào từ Thượng đỉnh Nga - Triều Tiên?

Thứ năm, 25 Tháng 4 2019 09:53 (GMT+7)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đến Nga hôm 24-4 để dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Vladimir Putin. Trợ lý Điện Kremlin, ông Yuri Ushakov, trong một thông báo cùng ngày cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ hội đàm tại TP Vladivostok - vùng Viễn Đông của Nga, ngày 25-4.

Về chương trình nghị sự, giới chức Nga tiết lộ một trong những nội dung thảo luận hàng đầu là tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, bên cạnh mối quan hệ song phương và sự hợp tác tại khu vực.

Theo nhận định của ông Roman Lobov, từ Trung tâm Khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga, hai ông Putin và Kim Jong-un có thể bàn bạc về các vấn đề liên quan đến tình hình hiện tại trên bán đảo Triều Tiên, cũng như triển vọng của quan hệ Moscow - Bình Nhưỡng. Theo hãng tin TASS, ông Lobov khẳng định hai nhà lãnh đạo có thể thảo luận về việc kêu gọi Liên Hiệp Quốc (LHQ) nới lỏng lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, qua đó tạo điều kiện để Moscow - Bình Nhưỡng tăng cường hợp tác song phương, đặc biệt là về kinh tế. Cũng theo chuyên gia này, giới chức ngoại giao Nga có thể đóng góp vào nỗ lực hồi sinh cơ chế 6 bên (Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản) để thương lượng về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Hy vọng nào từ Thượng đỉnh Nga - Triều Tiên? - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham dự cuộc họp với giới chức Nga tại TP Khasan hôm 24-4. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, theo đài Al Jazeera, một trong những vấn đề được ông Kim Jong-un đặc biệt quan tâm là số phận của khoảng 10.000 lao động Triều Tiên tại Nga. Tất cả sẽ phải rời Nga vào cuối năm nay khi một nghị quyết LHQ bắt đầu có hiệu lực. Theo hãng tin Reuters, lao động Triều Tiên tại Nga mang về cho Bình Nhưỡng khoảng 500 triệu USD ngoại tệ mỗi năm.

Ông Georgy Toloraya, Giám đốc Trung tâm Chiến lược châu Á thuộc Viện Khoa học Nga, nhận định Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Triều Tiên lần này nhiều khả năng chỉ diễn ra ngắn gọn, song lại có ý nghĩa hết sức to lớn bởi nó có thể tạo động lực cho tiến trình ngoại giao chấm dứt khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên nói riêng và trong khu vực nói chung. Nó cũng như là một lời nhắc nhở với Mỹ rằng ông Kim vẫn còn những phương án khác trong khu vực - ông Toloraya khẳng định, đồng thời cho biết Triều Tiên xem Nga là một "người hàng xóm" đáng tin cậy, không tìm cách can thiệp vào các vấn đề nội bộ và muốn bán đảo Triều Tiên ổn định.

Theo chuyên gia nghiên cứu Cho Han-bum, thuộc Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Triều Tiên diễn ra vào thời điểm "thích hợp". Vị này khẳng định sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, Bình Nhưỡng lâm vào tình thế khó khăn khi không được nới lỏng lệnh trừng phạt. "Trung Quốc không thể ra tay giúp đỡ vì họ đang vướng vào một cuộc chiến thương mại với Mỹ" - ông Cho giải thích với đài Al Jazeera. 

Cao Lực - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới