Theo hãng tin TASS, phát biểu tại Hội nghị Moscow về An ninh quốc tế, ông Poznikhir cho biết Mỹ xây dựng lá chắn hạt nhân "để thực hiện cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ vào Nga".
"Việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa gần biên giới của chúng tôi giúp Mỹ có được khả năng tấn công bằng tên lửa và hạt nhân một cách mạnh mẽ và bất ngờ nhằm vào Nga. Bên bị tấn công sẽ không thể đáp trả" – ông Poznikhir nói.
Vị tướng Nga cũng cho rằng bằng cách phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, Washington đang tìm cách thực hiện một cuộc tấn công tiềm tàng chống lại bất kỳ quốc gia nào.
Hệ thống phòng thủ tấm cao giai đoạn cuối (THAAD_ được Mỹ triển khai tại Hàn Quốc. Ảnh: AP
Ông Poznikhir lưu ý Mỹ đã phát triển khái niệm "đánh chặn trước khi phóng", đồng thời lên kế hoạch tiêu diệt tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga, Trung Quốc và các nước khác khi chúng vẫn còn trong bệ phóng.
"Các nước đang lưu trữ hoặc sẽ lưu trữ các thành phần của lá chắn tên lửa Mỹ có thể trở thành mục tiêu bị tiêu diệt đầu tiên. Việc sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa chống lại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân liên quan đến các mối đe dọa gây ô nhiễm phóng xạ lâu dài trên lãnh thổ. Vì vậy, những quốc gia tham gia kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể bị ảnh hưởng" – ông Poznikhir cảnh báo.
Tên lửa RS-28 Sarmat của Nga. Ảnh: TASS
Cũng theo vị tướng Nga, Moscow đã tiến hành các biện pháp thích hợp chống lại lá chắn tên lửa toàn cầu của Mỹ bằng cách tạo ra vũ khí Sarmat và Avangard. Ông Poznikhir nhấn mạnh khi các vũ khí phòng thủ và tấn công đang được triển khai gần biên giới Nga trên diện rộng, nước này phải thực hiện "các biện pháp đối phó đầy đủ". Các biện pháp đó được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trong Thông điệp Liên bang 2019.
Thêm vào đó, ông Poznikhir cho biết Nga không quan tâm đến cuộc chạy đua vũ trang và đang thúc giục Mỹ quay trở lại bàn đàm phán để đối thoại mang tính xây dựng về các vấn đề phòng thủ tên lửa cũng như tìm kiếm giải pháp mà hai bên chấp nhận được.
Avangard là hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa chiến lược do Hiệp hội Nghiên cứu và Sản xuất chế tạo máy (Moscow) phát triển. Đây được xem là vũ khí "đột phá" của Nga. Còn RS-28 Sarmat là hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ra đời nhằm thay thế ICBM R-36M2 Voyevoda.