Phát biểu với giới truyền thông sau hội nghị tại TP Vladivostok - Nga, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết hai bên đã có cuộc trao đổi quan điểm thiết thực về các vấn đề cùng quan tâm. Theo ông Kim Jong-un, cuộc gặp này rất hữu ích cho việc phát triển mối quan hệ hai nước thêm ổn định và vững chắc.
Trong khi đó, theo đài RT (Nga), Tổng thống Putin hoan nghênh các đóng góp của nhà lãnh đạo Triều Tiên về việc "bình thường hóa" quan hệ với Mỹ và mở kênh đối thoại với Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Nga bày tỏ hy vọng hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ giúp thúc đẩy tiến trình hòa giải trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời khẳng định Nga luôn sẵn sàng tham gia hỗ trợ quá trình này.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại TP Vladivostok hôm 25-4 Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, ông Putin nhận định với các phóng viên rằng chỉ những bảo đảm an ninh của Mỹ thôi là không đủ để thuyết phục Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân. Thay vào đó, các nước khác trong khuôn khổ đàm phán 6 bên (Mỹ, Triều Tiên, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) cũng cần có những bảo đảm an ninh tương tự, mang tính ràng buộc pháp lý và tôn trọng chủ quyền của Bình Nhưỡng. Nhà lãnh đạo Nga cũng tin vào khả năng đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhưng các bên liên quan cần tiến hành từng bước để xây dựng lòng tin.
Ông Cheong Seong-chang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Sejong ở Hàn Quốc, nói với tờ South China Morning Post (Hồng Kông) rằng thông qua cuộc gặp ông Putin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn phát đi thông điệp ông sẽ chờ cho đến khi Mỹ chấm dứt các biện pháp trừng phạt và sức ép lên Bình Nhưỡng. Ngoài ra, Triều Tiên sẽ tìm kiếm sự hợp tác từ Nga để cải thiện ngành công nghiệp quốc phòng, qua đó tạo cơ hội cho Moscow gia tăng sự ảnh hưởng trong khu vực.
Với Nga, theo Reuters, hội nghị là cơ hội để chứng tỏ nước này vẫn đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế bất chấp nỗ lực cô lập Moscow của Mỹ và phương Tây. Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng việc Moscow cam kết duy trì các lệnh trừng phạt quốc tế cho đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân khiến hội nghị trên khó có thể mang lại kết quả đột phá.
"Kim ngạch thương mại Nga - Triều Tiên vào năm ngoái đạt mức 34 triệu USD do các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng. Ngay cả Nga cũng đang chịu lệnh trừng phạt nên rất khó có thể giúp Triều Tiên mà không vi phạm lệnh trừng phạt" - ông Koh Yu-hwan, chuyên gia tại Trường ĐH Dongguk (Hàn Quốc), nhận định.