Các số liệu từ văn phòng báo chí của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cung cấp cho thấy phạm vi hoạt động trong vùng biển này kéo dài từ năm 2007 đến tháng 4-2019. Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump phát tín hiệu ủng hộ Đài Loan, trong đó có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) khi ông đắc cử tổng thống, số liệu do SCMP thu thập lại ghi nhận số lần tàu chiến Mỹ qua eo biển Đài Loan đạt 2 con số dưới thời Tổng thống Barack Obama, cụ thể vào các năm 2012, 2013, 2015 và 2016.
Số lần đạt đỉnh điểm rơi vào tháng 12-2016, cùng năm bà Thái Anh Văn thắng cử, làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh. Washington không công bố những lần đi qua eo biển Đài Loan bấy giờ, mặc dù tăng tần suất hiện diện, và Trung Quốc dường như không phản ứng công khai.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS William P. Lawrence (DDG-110) (trên) và USS Stethem (DDG-63) (dưới). Ảnh: USNI.ORG
Tuy nhiên, trong 20 năm qua, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) 2 lần lên tiếng phản đối khi các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đi qua eo biển. Lần đầu tiên, vào năm 1996, dẫn đến một cuộc đối đầu tên lửa được gọi là Khủng hoảng eo biển Đài Loan. Lần thứ hai, vào năm 2007, đã khiến Bắc Kinh từ chối tất cả các yêu cầu cho phép tàu chiến Mỹ ghé cảng tại Hồng Kông trong gần một năm.
James Krasnka, giáo sư luật hàng hải quốc tế tại trường ĐH Hải chiến Mỹ tại bang Rhode Island, cho biết Washington tránh thông báo việc di chuyển qua eo biển cũng như vùng trời "để đảm bảo rằng những điều này được coi là hoạt động bình thường và không gây mối thù địch".
Số lần tàu chiến Mỹ qua eo biển Đài Loan giảm xuống còn 5 trong năm 2017, năm đầu ông Trump nhậm chức và còn 3 chuyến trong năm 2018. Hai tàu khu trục tên lửa, USS Stethem và USS William P. Lawrence, là những tàu Mỹ gần đây nhất đi qua eo biển vào ngày 28 và 29-4. Bắc Kinh hôm 29-4 bày tỏ quan ngại về động thái của Mỹ, và mô tả Đài Loan là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Trung-Mỹ. Nhận xét này được đánh giá là phản ứng nhẹ nhàng hơn so với trước đây.
Bill Hayton, nhà nghiên cứu Chương trình châu Á – Thái Bình Dương, Viện nghiên cứu Chatham House, lại nhận định: "Trớ trêu thay, Trung Quốc càng đưa ra những tuyên bố mơ hồ cho thấy họ coi eo biển này là "vùng nước nội địa" thì càng có nhiều khả năng họ sẽ khiêu khích Mỹ đi qua đó. Mỹ coi những chuyến đi này là hoạt động hoàn toàn bình thường và không đáng kể".
Tuy nhiên, ông Ngô Tân Ba, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại trường ĐH Phục Đán ở Thượng Hải, nghĩ rằng các hoạt động hàng hải của Washington không có khả năng ảnh hưởng đến lập trường của Bắc Kinh về các vấn đề chính như Đài Loan.
Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng ký hiệp ước bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị tấn công và là nhà cung cấp vũ khí chính cho vùng lãnh thổ này.