Sau vụ đánh bom đẫm máu ở Sri Lanka hồi tháng 4, cảnh sát đã gõ cửa nhà ở một khu phố cao cấp và tìm gặp được người vợ đang mang thai của một trong những kẻ đánh bom tên Ilham Ibrahim. Khi thấy cảnh sát, cô chạy vào bên trong và kích nổ quả bom, tự sát cùng đứa con chưa sinh và 3 đứa con trai 5, 4 và 9 tháng tuổi của mình. Ba sĩ quan cảnh sát cũng chết trong vụ nổ.
Trong một trường hợp tương tự hồi tháng 3 ở Indonesia, vợ của một kẻ chế tạo bom đi theo IS, tên Solimah, cũng đã tự kích nổ mình, giết chết đứa con 2 tuổi.
Theo báo South China Morning Post ngày 5-5, từ Sri Lanka đến Indonesia, những người phụ nữ bị ý thức hệ IS cực đoan hóa, theo đuổi con đường tử vì đạo bằng cách tự sát và giết luôn cả con mình. Những phụ nữ đánh bom tự sát luôn xuất hiện trong suốt chiều dài lịch sử của chủ nghĩa thánh chiến cực đoan, nhưng việc những kẻ cực đoan giết cả con mình tạo ra một chiều hướng khủng bố nguy hiểm mới. "Điều này không tồn tại ở al-Qaeda. Trong đạo Hồi , thánh chiến đối với một người phụ nữ nghĩa là chăm sóc gia đình, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em, chứ không cầm vũ khí" - Sofyan Tsauri, cựu thành viên của nhóm thánh chiến al-Qaeda Đông Nam Á, nói.
Tòa án Indonesia tuyên phạt 7,5 năm tù giam đối với Dian Yulia Novi (giữa) bị cáo buộc liên quan đến âm mưu đánh bom liều chết của IS nhằm vào Dinh Tổng thống năm 2017. Ảnh: AP
Theo Nasir Abbas, cựu lãnh đạo tổ chức Jemaah Islamiah (JI) - một nhánh của al-Qaeda ở Malaysia, bản năng bảo vệ con cái của những người phụ nữ này đã bị thay thế bởi sự tìm kiếm một "con đường nhanh chóng" lên thiên đường. "Họ tin rằng bảo vệ con cái đồng nghĩa với việc bảo vệ chúng khỏi việc biến thành những kẻ ngoại đạo khi họ chết. Trong niềm tin méo mó của mình, họ tin rằng con cái của họ cũng sẽ lên thiên đường nếu chúng chết cùng họ" - Nasir Abbas cho biết.
Một sự phát triển đáng kể của hiện tượng mới này đã diễn ra khi một gia đình 6 người đánh bom 3 nhà thờ ở Surabaya - Indonesia vào tháng 5-2018. Gia đình này bao gồm cha mẹ và 4 đứa con từ 9 đến 18 tuổi. Người cha, một doanh nhân giàu có tên Dita Oepriarto, đã cài bom lên người vợ và 2 con gái để kích nổ tại một nhà thờ. Ông ta cũng buộc hai đứa con trai của mình cưỡi một chiếc xe máy chở đầy bom lao vào một nhà thờ khác và nổ tung.
Còn Dita thì lái chiếc xe chứa đầy chất nổ của mình lao vào một nhà thờ thứ ba. Trong khoảng 10 phút, cả gia đình đã chết. Người ta thấy Firman Halim, con trai nhỏ 16 tuổi của Dita, khóc nức nở trong buổi cầu nguyện, khoảng hai giờ trước vụ tấn công.
Hiện trường đánh bom vụ tự sát ở thành phố Surabaya, tỉnh Đông Java của Indonesia, hồi tháng 5-2018. Ảnh: REUTERS
Có thể thấy, sự cực đoan hóa đang ngày càng tăng của các cặp vợ chồng chính là mối nguy hiểm cho cuộc sống của những đứa con. Cựu lãnh đạo JI Nasir Abbas cho biết: "Những đứa trẻ đang ở trong tình trạng vô cùng nguy hiểm khi cha mẹ của chúng tin rằng chúng phải thi hành thánh chiến… để chuộc lại tội lỗi trong cuộc đời này bằng cách thực hiện các cuộc tấn công khủng bố. Những người cha người mẹ này tin vào việc đưa con cái của họ lên thiên đường".
Theo các nhà nghiên cứu, phụ nữ có khả năng bị cực đoan hóa hơn nam giới. "Đó là vì phụ nữ sử dụng trái tim của họ. Họ có thể nguy hiểm hơn vì họ sẵn sàng hy sinh, so với đàn ông có xu hướng lý trí hơn khi cân nhắc xem xét giữa cái giá phải trả và lợi ích" – chuyên gia Rizka thuộc Viện Xây dựng Hòa bình Thế giới (IIPB) giải thích.
Nhiều người phụ nữ được cho là bị cực đoan hóa bởi người chồng như một dấu hiệu của sự vâng lời. Ani Rufaida, giảng viên ngành tâm lý học xã hội tại trường Đại học Hồi giáo Indonesia Nahdlatul Ulama, cho biết: "Trong nghiên cứu trước đây của tôi về vợ của những kẻ khủng bố, hầu hết đều thể hiện sự vâng lời với chồng mình. Chỉ một số ít người vợ có thể từ chối, nhưng họ phải đối mặt với hậu quả, ví dụ như, bị cách ly khỏi người chồng".