Canh bạc chính sách đối ngoại của ông Donald Trump

Thứ tư, 08 Tháng 5 2019 16:10 (GMT+7)
Chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang gặp khó sau một loạt bước lùi khắp thế giới, dẫn đến nguy cơ ông và các cố vấn gặp thất bại trong một số canh bạc đầy rủi ro.

Đánh giá trên không phải không có cơ sở sau những diễn biến mới khó lường tại các điểm nóng trên thế giới, từ Triều Tiên, Trung Quốc cho đến Venezuela.

Mới nhất, hôm 5-5, ông Trump lên mạng xã hội Twitter đăng thông điệp dọa tăng thuế đối với hàng trăm tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến thị trường chứng khoán thế giới biến động và làm dấy lên nghi ngờ về khả năng đàm phán thương mại Mỹ - Trung đạt kết quả.

Trước đó 2 ngày, Triều Tiên tiến hành vụ thử vũ khí, trong đó có thể có cả tên lửa tầm ngắn, trong diễn biến được cho là thể hiện sự mất kiên nhẫn của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đối với sự đình trệ của cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ.

Canh bạc chính sách đối ngoại của ông Donald Trump - Ảnh 1.

Triều Tiên được cho là có thử tên lửa tầm ngắn trong cuộc tập trận hôm 3-5. Ảnh: Reuters

Còn tại Venezuela, chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro vào tuần rồi tuyên bố đập tan âm mưu đảo chính do phe đối lập được sự hậu thuẫn của Mỹ tiến hành. 

Chưa hết, chỉ hai tháng sau khi ông Trump tuyên bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại, thủ lĩnh tối cao Abu Bakr Baghdadi của nhóm này đã ra mặt lần đầu tiên trong 5 năm và tuyên bố những kẻ theo IS tiến hành các vụ đánh bom ở Sri Lanka, khiến gần 300 người thiệt mạng dịp lễ Phục Sinh vừa qua.

Đối mặt với một loạt thách thức như trên, ông chủ Nhà Trắng và các cố vấn đưa ra những thông điệp lẫn lộn. "Dường như Tổng thống (Trump) không theo một chính sách mạch lạc và nhất quán nào cả" - ông Nicholas Burns, từng là đại sứ Mỹ tại NATO thời Tổng thống George W. Bush nhận định.

Canh bạc chính sách đối ngoại của ông Donald Trump - Ảnh 2.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vẫn đang trụ vững trước sức ép của Mỹ. Ảnh: Reuters

Những bước lùi về chính sách khiến người ta chú ý nhiều hơn đến Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, một trong những nhân vật chia rẽ nhất trong đội ngũ phụ tá của ông Trump.

Đây là nhân vật đứng sau nỗ lực của Nhà Trắng nhằm lật đổ chính quyền ông Maduro, vốn tăng tốc sau khi Mỹ công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela hồi tháng 1. 

Dù vậy, bất chấp động thái gia tăng sức ép lên Caracas của Washington, thông qua biện pháp trừng phạt và bóp nghẹt nguồn thu dầu, ông Maduro vẫn còn nắm quyền và Nhà Trắng đang vật lộn với những bước đi kế tiếp.

Ông Geoff Ramsey, chuyên gia tại Văn phòng Washington về châu Mỹ Latin (một tổ chức nghiên cứu tại Mỹ), nhận định chính sách của chính quyền ông Trump về Venezuela phơi bày không ít hạn chế.

Canh bạc chính sách đối ngoại của ông Donald Trump - Ảnh 3.

Thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi trong đoạn video đăng tải hôm 29-4. Ảnh: Reuters

Là nhân vật có lập trường cứng rắn với Iran, ông Bolton hôm 5-5 đột ngột thông báo Mỹ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay Abraham Lincoln và máy bay chiến đấu đến Trung Đông để "gửi thông điệp đến Tehran". Thường thì những tuyên bố lại này sẽ do Lầu Năm Góc hoặc Tổng thống Mỹ đưa ra.

Ít ra thì động thái trên cũng phần nào khiến dư luận bớt chú ý hơn đến chuyện Nhà Trắng xử lý ra sao vấn đề Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 5-5 nói với kênh Fox News rằng giới chức Mỹ tin Triều Tiên không phóng tên lửa tầm trung, tầm xa hoặc liên lục địa trong vụ thử hôm 3-5 và Washington vẫn giữ nguyên ý định tiếp tục thương thảo với Bình Nhưỡng về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng phát biểu nói trên khiến các đồng minh đang dựa vào bảo đảm an ninh của Mỹ, như Nhật Bản và Hàn Quốc, có lý do để nghi ngờ Washington.

Theo họ, Mỹ có ý nói rằng nước này chỉ nên thật sự bận tâm nếu Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và điều này là biểu hiện của chính sách đối ngoại một chiều.

Canh bạc chính sách đối ngoại của ông Donald Trump - Ảnh 4.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Canh bạc chính sách đối ngoại của ông Donald Trump - Ảnh 5.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Ảnh: Reuters

Tóm lại, giới chuyên gia cho rằng cách thức xử lý chính sách đối ngoại của ông Trump có khuynh hướng mang tính đơn phương và thiếu nhất quán. Một số động thái thỉnh thoảng còn gây bất lợi cho những chính sách và ưu tiên khác. Theo một số nhà ngoại giao, điều này phản ánh sự thiếu điều phối, hợp tác truyền thống giữa các cơ quan trong chính quyền ông Trump. Thay vào đó, hầu hết quyết định chính sách đến từ Nhà Trắng và thường là do ông Trump đưa ra.

"Một vấn đề lớn của chính quyền Mỹ hiện nay là hầu như không có một chiến lược dài hạn và ông Trump không bao giờ đứng cùng phía với các đồng minh" - ông Ian Bremmer, chủ tịch Công ty đánh giá rủi ro toàn cầu Eurasia Group, nhận định.

P.Võ - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới