Trước đó, UAE hôm 12-5 cho biết 4 tàu trên bị phá hoại bên ngoài eo biển Hormuz trong diễn biến khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng.
Nhận định trên được đưa ra giữa lúc xuất hiện thông tin chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét kế hoạch gửi đến 120.000 binh sĩ đến Trung Đông trong trường hợp Iran "tấn công lực lượng Mỹ hoặc đẩy nhanh phát triển vũ khí hạt nhân", nhưng không kêu gọi tấn công trên bộ nhằm vào Tehran.
Theo báo The New York Times, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã trình bày kế hoạch quân sự được cập nhật nói trên tại cuộc họp với các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Nhà Trắng hôm 9-5. Con số trên khiến một số quan chức biết về nó không khỏi bị sốc, nhất là khi nó tương đương quy mô lực lượng Mỹ tấn công Iraq năm 2003.
Máy bay B-52 tại căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar hôm 12-5 sau khi được quân đội Mỹ triển khai đến đó tuần rồi Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ
Việc chỉnh sửa kế hoạch này được tiến hành theo lệnh Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, qua đó cho thấy tầm ảnh hưởng của nhân vật lâu nay vẫn có lập trường cứng rắn đối với Iran này. Một số quan chức cấp cao Mỹ cho rằng kế hoạch trên, hiện chỉ ở giai đoạn ban đầu, cho thấy mối đe dọa nguy hiểm từ Iran. Dù vậy, những người ủng hộ giải pháp ngoại giao gọi đây chỉ là chiêu trò để cảnh báo Tehran không được có thêm hành vi gây hấn.
Liệu ông Trump có bật đèn xanh đối với kế hoạch trên hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ hôm 13-5 phát đi thông điệp đe dọa đến Iran khi cảnh báo quốc gia Trung Đông này sẽ phạm phải "sai lầm rất lớn" và "chịu nhiều tổn thất" nếu có hành động gì chống lại Washington. Cùng ngày, tại cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở thủ đô Brussels - Bỉ hôm 13-5, bộ trưởng ngoại giao một số nước đồng minh châu Âu của Washington đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ căng thẳng leo thang có thể dẫn đến xung đột Mỹ - Iran.
Vài ngày trước khi trình bày kế hoạch nói trên, Lầu Năm Góc thông báo triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln, một số máy bay ném bom B-52 và một khẩu đội tên lửa đánh chặn Patriot đến vùng Vịnh. Bước đi này diễn ra sau khi chính quyền ông Trump tuyên bố có thông tin tình báo cho thấy Iran đang huy động các lực lượng ủy thác tại Iraq, Syria tấn công lực lượng Mỹ.
Nếu Washington quyết định triển khai thêm lực lượng quy mô lớn như mô tả ở trên, Tehran được cho là sẽ có thêm lý do và mục tiêu để tấn công, từ đó đe dọa lôi kéo Mỹ vào một cuộc xung đột vũ trang khác tại Trung Đông. Một diễn biến như thế cũng làm đảo ngược xu hướng giảm bớt hiện diện quân sự Mỹ tại khu vực này, khởi đầu với động thái rút quân khỏi Iraq năm 2011.
Dù vậy, một số quan chức Mỹ nói với tờ The New York Times rằng thông báo rút bớt lực lượng khỏi Syria của ông Trump hồi tháng 12-2018 dường như đã khiến Tehran nghĩ rằng Washington không muốn đối đầu vũ trang với họ.