Thông tin trên được 3 quan chức giấu tên Mỹ tiết lộ với hãng tin Reuters hôm 15-5. Sắc lệnh trên đã được cân nhắc suốt hơn 1 năm nhưng liên tục bị hoãn và nó có thể tiếp tục bị hoãn – các quan chức trên cho biết.
Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang căng thẳng. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) hôm 13-5 công bố danh sách 3.805 mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 300 tỉ USD có thể bị áp thuế nhập khẩu 25%, trong đó có điện thoại và máy tính xách tay.
Nếu được thông qua, sắc lệnh trên có thể kích hoạt Đạo luật quyền lực kinh tế khẩn cấp quốc tế (IEEPA), cho phép tổng thống điều tiết thương mại để đối phó với một tình huống khẩn cấp có thể đe dọa an ninh quốc gia. Sắc lệnh này sẽ chỉ thị Bộ Thương mại Mỹ hợp tác với những cơ quan chính phủ khác để đưa ra một kế hoạch đối phó – theo các quan chức giấu tên trên.
Mỹ khẳng định các thiết bị của Huawei có thể được chính phủ Trung Quốc sử dụng để thu thập thông tin người dùng và chính phủ nước khác. Ảnh: Reuters
Mặc dù không nêu tên bất cứ quốc gia hay công ty nào, sắc lệnh trên từ lâu đã được xem là "án tử" đối với hoạt động của Huawei trên lãnh thổ Mỹ. Washington khẳng định các sản phẩm của Huawei, công ty sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 3 thế giới, có thể được Bắc Kinh sử dụng để thu thập thông tin người dùng và chính phủ nước khác. Cả Huawei lẫn chính phủ Trung Quốc đều phủ nhận cáo buộc này.
Trước đó, vào tháng 8-2018, Tổng thống Trump cũng đã ký ban hành luật cấm nhân viên chính phủ sử dụng thiết bị của Huawei và Công ty công nghệ ZTE Corp (Trung Quốc). Đến tháng 1-2019, hai đơn vị của Huawei ở Washington bị công tố viên Mỹ buộc tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại của Công ty T-Mobile US Inc (Mỹ).
Mới đây, trong phiên điều trần hôm 14-5, các thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi các nước đồng minh không sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng không dây thế hệ 5 (5G) vì rủi ro về an ninh.