Moscow và Washington vẫn còn cách xa nhau về những vấn đề nóng trong quan hệ song phương và một loạt cuộc khủng hoảng trên thế giới sau chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 14-5.
Dù cuộc gặp giữa ông Mike Pompeo và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại TP Sochi không mang lại kết quả đột phá nào, thông điệp tích cực được phát đi là hai bên hy vọng cải thiện mối quan hệ song phương sau khi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller khép lại với kết luận chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump không thông đồng với Nga.
Ông chủ Điện Kremlin cho biết muốn khôi phục hoàn toàn mối quan hệ giữa Nga và Mỹ trong lúc bày tỏ cảm tưởng ông Trump cũng mong điều tương tự khi hai nhà lãnh đạo này điện đàm trước đó không lâu. Hai ông Putin và Pompeo cũng nhất trí cho rằng Nga - Mỹ có cùng mối quan tâm và có thể làm việc với nhau về một loạt vấn đề như an ninh, ngăn chặn vũ khí hủy diệt hàng loạt, môi trường, kinh tế…
Tại cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước đó cùng ngày, ông Pompeo khẳng định ông chủ Nhà Trắng cam kết cải thiện quan hệ với Moscow. Dù vậy, trong dấu hiệu cho thấy đây không phải là chuyện dễ làm, ông Pompeo nói Mỹ sẽ không dung thứ cho chuyện Nga "can thiệp" cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
"Can thiệp vào các cuộc bầu cử của Mỹ là điều không thể chấp nhận được. Nếu Nga làm chuyện này trong năm 2020, điều đó sẽ khiến mối quan hệ giữa chúng ta thêm xấu đi" - ông Pompeo nói tại cuộc họp báo chung với ông Lavrov sau cuộc gặp.
Đáp lại, Ngoại trưởng Nga cho biết có thông tin chứng tỏ chính Washington đang can thiệp vào chuyện nội bộ của Moscow. Ngoài ra, theo Reuters, ông Putin cũng bác bỏ cảnh báo của Ngoại trưởng Pompeo khi nhấn mạnh Nga không bao giờ can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ.
Ngoài ra, hai bên còn cho thấy lập trường khác biệt về nhiều vấn đề nóng hiện nay trên thế giới. Ngoại trưởng Lavrov đã lên tiếng chỉ trích Mỹ vì tìm cách phá hoại chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Trong khi đó, ông Pompeo cho rằng nhà lãnh đạo Venezuela nên ra đi giữa lúc kinh tế khó khăn và làn sóng biểu tình phản đối ông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 14-5. Ảnh: REUTERS
Về vấn đề Ukraine, ông Pompeo nói Mỹ tiếp tục duy trì trừng phạt kinh tế Nga vì hành động sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine năm 2014. Theo Ngoại trưởng Mỹ, Nga nên làm việc với Tổng thống đắc cử Ukraine để mang lại hòa bình cho miền Đông nước này và thả nhóm thủy thủ Ukraine bị bắt giữ cuối năm ngoái. Chưa hết, hai bên còn bất đồng về chương trình hạt nhân của Iran và hướng tiếp cận đối với Tehran.
Dù vậy, hai bên đã đề cập khả năng thương thảo về việc gia hạn hiệp ước hạt nhân còn lại giữa Moscow và Washington, gọi là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới và dự kiến hết hạn vào năm 2021. Việc chính quyền ông Trump ngưng Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Moscow có bước đi tương tự để đáp trả đã làm dấy lên nỗi lo về số phận Hiệp ước START mới (hạn chế số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa, đầu đạn và máy bay ném bom hạng nặng mà hai bên có thể sở hữu).
Trước khi ông Putin tiếp Ngoại trưởng Pompeo, truyền hình địa phương đưa tin nhà lãnh đạo Nga đã đi kiểm tra một loại tên lửa "siêu thanh" có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tại một cơ sở quân sự ở miền Nam nước này. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định thời điểm diễn ra chuyến đi không liên quan gì đến cuộc gặp giữa hai ông Putin và Pompeo.
Giờ đây, vấn đề được dư luận quan tâm nhiều là liệu có một cuộc hội đàm nữa giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ trong thời gian tới hay không. Theo đài CNN, câu trả lời lúc này vẫn chưa rõ ràng. Ông Trump hôm 13-5 cho biết sẽ gặp ông Putin bên lề Hội nghị nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản vào tháng 6. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov không xác nhận Moscow đang lên kế hoạch cho sự kiện này tại cuộc họp báo với ông Pompeo.