Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Geophysical Research Letters (Mỹ), các loài sinh vật được tìm thấy một số rãnh sâu nhất của Thái Bình Dương (cách bề mặt đại dương từ 6.000-11.000 mét) có mức carbon phóng xạ cao trong các mô cơ của chúng.
Carbon phóng xạ này xuất phát từ các vụ thử bom hạt nhân diễn ra trong những năm 1950 và 1960. Vào thời điểm đó, lượng carbon phóng xạ (còn gọi là carbon-14) trong khí quyển tăng gấp đôi và rơi xuống bề mặt đại dương.
Sau đó, các nhà khoa học ghi nhận sự gia tăng của hàm lượng carbon-14 trong đại dương kể từ các vụ thử bom hạt nhân.
Một vụ thử hạt nhân ở Khu thử nghiệm Nevada năm 1957. Ảnh: Bộ Năng lượng Mỹ
Kết quả trên cho thấy ô nhiễm do con người gây ra có thể đi vào chuỗi thức ăn của đại dương và tiến đến đáy đại dương nhanh ra sao.
Nhóm nghiên cứu người Trung Quốc thừa nhận chuỗi thức ăn đang đưa carbon phóng xạ xuống đáy đại dương nhanh hơn so với suy nghĩ của họ.
"Điều này có nghĩa là các hoạt động của con người khiến đại dương bị ô nhiễm" - ông Weidong Sun, một nhà hóa học tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và là một trong những đồng tác giả của nghiên cứu, đánh giá.
Cũng theo chuyên gia này, kết quả nghiên cứu trên cho thấy con người có tác động không hề nhỏ đối với đáy đại dương và cần thận trọng đối với bất kỳ hoạt động nào có thể ảnh hưởng đến trái đất nói chung.