Cuộc đối đầu Mỹ - Trung Quốc càng thêm leo thang sau khi Washington hôm 15-5 có bước đi được cho là nhằm ngăn Tập đoàn Huawei tiếp cận thị trường và các nhà cung cấp nước này.
Cụ thể, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp, theo đó ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến mối đe dọa đối với công nghệ, dịch vụ thông tin và truyền thông. Sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông của những doanh nghiệp bị xem là mối đe dọa đến an ninh quốc gia. Tuy sắc lệnh không đề cập tên quốc gia hoặc công ty cụ thể nào nhưng động thái này được cho là nhằm "cấm cửa" các công ty Trung Quốc.
Mỹ còn kêu gọi các nước đồng minh không sử dụng thiết bị mạng 5G của Huawei Ảnh: REUTERS
Điều này thể hiện phần nào khi Bộ Thương mại Mỹ không lâu sau đó liệt Huawei vào danh sách đen, đồng nghĩa doanh nghiệp Mỹ cần phải có giấy phép đặc biệt do chính phủ cấp để bán sản phẩm cho tập đoàn Trung Quốc này. Phản ứng trước sắc lệnh hành pháp nói trên, theo Reuters, đại diện Huawei phủ nhận cáo buộc sản phẩm họ là mối đe dọa an ninh và nhấn mạnh sẵn sàng hợp tác với Mỹ để giải tỏa bất kỳ nỗi lo nào.
Theo trang Bloomberg, việc cấm Huawei mua linh kiện của Mỹ có thể là đòn giáng mạnh mẽ lên công ty Trung Quốc này trong lúc đe dọa đến tiến độ triển khai mạng 5G trên toàn cầu. Trước đó, hồi tháng 8-2018, ông Trump đã ký ban hành luật cấm chính phủ Mỹ sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE Corp, một công ty Trung Quốc khác. Còn vào tuần rồi, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cấm nhà mạng China Mobile Ltd của Trung Quốc hoạt động tại thị trường Mỹ vì "những nỗi lo an ninh quốc gia".
Phản ứng tức giận của Bắc Kinh là điều dễ hiểu. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 16-5 tuyên bố phản đối mạnh mẽ các quốc gia khác đơn phương trừng phạt công ty nước này và nhấn mạnh Washington nên tránh làm quan hệ thương mại Mỹ - Trung thêm xấu đi. Trung Quốc cũng cam kết có hành động trả đũa Mỹ nhưng không nói rõ. Theo giới quan sát, Bắc Kinh có thể gia tăng rào cản về quy định, luật lệ đối với công ty Mỹ hoạt động tại thị trường đông dân nhất thế giới này.
Chính quyền ông Trump trong nhiều tháng qua đã phát động chiến dịch quốc tế chống lại Huawei. Ngoài việc đề nghị Canada bắt giữ bà Meng Wanzhou, Giám đốc tài chính Huawei, Mỹ còn kêu gọi các nước đồng minh không sử dụng thiết bị mạng 5G của công ty này. Đáp lại, lãnh đạo Huawei lâu nay khẳng định công ty này hoạt động độc lập với Bắc Kinh và thiết bị của họ không được sử dụng cho hoạt động do thám.
Tranh cãi về Huawei đe dọa phủ bóng lên các đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang giẫm chân tại chỗ, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu nếu hai bên không chịu xuống thang. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết sẽ sớm đến Trung Quốc để tiếp tục vòng đàm phán mới nhất.
Dù vậy, các chuyên gia thuộc công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group (Mỹ) nhận định động thái mới nhất của Washinton là bước leo thang căng thẳng nghiêm trọng với Bắc Kinh, với tác động tối thiểu có thể là khiến đàm phán thương mại đình trệ. "Nếu tình hình hiện nay không được xử lý thận trọng, các công ty Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ đối mặt những rủi ro mới" - báo cáo của Eurasia Group đánh giá.