Mỹ không còn là “thiên đường” với người Trung Quốc

Thứ hai, 20 Tháng 5 2019 13:41 (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng văn hóa Mỹ đã ảnh hưởng sâu sắc vào Trung Quốc đến mức không thể tẩy chay các sản phẩm của nước này như Trung Quốc từng làm với hàng hóa Nhật Bản và Hàn Quốc, khi căng thẳng với các nước này tăng cao.

"30 năm trước, rất nhiều người nghĩ rằng đi đến Mỹ giống như lên thiên đường. Thế nhưng, mọi người nghĩ rằng Mỹ đang tụt lại phía sau trong khi Trung Quốc đang lớn mạnh" – nhà tư vấn giáo dục ở TP Thanh Đảo Lưu Bằng nhận định với tờ The New York Times.

Vũ công của đoàn Ba lê Quốc gia Trung Quốc tên Tề Hạo Hàm, 25 tuổi, được coi là người có ảnh hưởng lớn đến Daniil Simkin, vũ công chính của Nhà hát Ba lê Mỹ. Anh không giấu được niềm hăng say khi nói về các điệu nhảy và các vũ công người Mỹ từng trình diễn trên sân khấu Trung Quốc. Ấy vậy mà khi nói đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sự ngưỡng mộ của anh với nước Mỹ phút chốc "bốc hơi".

"Chiến, chiến, chiến!", Tề Hạo Hàm viết trên mạng xã hội, kêu gọi đất nước của mình đứng vững sau khi các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ bị phá vỡ. "Quyết định tăng mức thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc của Mỹ có thể hủy diệt ngược lại họ. Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả" - Tề Hạo Hàm nói. Và Tề Hạo Hàm chỉ là một trong nhiều người trẻ vỡ mộng giấc mơ Mỹ.

Mỹ không còn là “thiên đường” với người Trung Quốc - Ảnh 1.

Tiệm cà phê Starbucks trong đường phố ở Bắc Kinh Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Nhiều người Trung Quốc từng xem nước Mỹ như một nguồn cảm hứng, với những tòa nhà chọc trời lấp lánh, sức mạnh tài chính dồi dào và sức mạnh quân sự vô song. Thế nhưng, họ cũng ngày càng coi Mỹ là một đối thủ chiến lược - quan điểm khởi đi từ "niềm tự hào Trung Quốc" - và cũng từ lâu các cơ quan tuyên truyền của đảng đã mô tả nước Mỹ là quốc gia thù địch, là "đế quốc cố gắng ngăn chặn Trung Quốc". Ở Trung Quốc, ý kiến công chúng được giám sát cẩn thận. Nếu các nhà lãnh đạo đẩy thông điệp bài Mỹ đi quá xa, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ chủ nghĩa dân tộc vượt khỏi tầm kiểm soát. Điều này sẽ hạn chế các lựa chọn của Trung Quốc trong bàn đàm phán với Mỹ.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc có nhiều biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế, họ vẫn quan ngại sâu sắc nếu bế tắc kéo dài, vì việc này có thể gây ra thiệt hại nặng nề tới đời sống người dân. Cuối cùng, việc này sẽ ảnh hưởng uy tín của chính quyền bởi vì lời cam kết tăng trưởng kinh tế liên tục cần được bảo đảm. Mặt khác, nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc hành động quá thận trọng, họ có thể bị xa rời trong mắt quần chúng. Người Trung Quốc dần thức tỉnh khỏi giấc mơ Mỹ, nếu không nói là hoàn toàn vỡ mộng, vì họ đã hiểu rõ hơn về Mỹ và các vấn đề của nó.

Mỹ không còn là “thiên đường” với người Trung Quốc - Ảnh 2.

Văn hóa Mỹ đã ảnh hưởng sâu sắc vào Trung Quốc đến mức không thể tẩy chay các sản phẩm của nước này. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Theo khảo sát toàn quốc được Trung tâm nghiên cứu Pew công bố vào năm 2016, 45% người Trung Quốc coi sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ là mối đe dọa lớn đối với đất nước họ, con số này tăng so với 39% vào năm 2013. Ngoài ra, hơn một nửa số người Trung Quốc được khảo sát tin rằng Mỹ đã cố gắng ngăn chặn Bắc Kinh trở nên hùng mạnh như họ. 

Quan điểm của người Trung Quốc càng được củng cố sau cuộc chiến thương mại kéo dài trong suốt một năm qua và tiếp tục gia tăng căng thẳng. Đơn cử, tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei đang vướng vào các tranh chấp với Mỹ trong bối cảnh leo thang căng thẳng. Mỹ cũng thắt chặt các hạn chế về thị thực dành cho sinh viên và học giả Trung Quốc, các biện pháp mà Washington cho là nhằm kiềm chế hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và gián điệp.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng văn hóa Mỹ đã ảnh hưởng sâu sắc vào Trung Quốc đến mức không thể tẩy chay các sản phẩm của nước này như Trung Quốc từng làm với hàng hóa Nhật Bản và Hàn Quốc, khi căng thẳng với các nước này tăng cao. Nhiều người Trung Quốc yêu thích iPhone và tôm hùm của họ được nhập khẩu từ TP Boston, họ cũng say mê các loạt phim truyền hình Mỹ như "House of Cards" và "Modern Family". Người dân Trung Quốc vẫn ngưỡng mộ hệ thống giáo dục, luật pháp và quyền lực mềm của Mỹ.

H.Bình - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới