Tại một cuộc họp báo hôm 20-5, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cảnh báo về "sự bất ổn ngày càng tăng và sự không chắc chắn trong lĩnh vực an ninh chiến lược quốc tế". Đồng thời, ông Lục cũng nêu bật làm thế nào một "quốc gia lớn rút khỏi một điều ước quốc tế và cơ chế khác trong khi xây dựng sức mạnh hạt nhân và tên lửa của riêng mình".
Tuyên bố trên được đưa ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn Bắc Kinh tham gia các thỏa thuận mới liên quan đến việc không phổ biến vũ khí và kiểm soát vũ khí, sau khi Washington hủy bỏ các thỏa thuận trước đó với Moscow. Ông Lục lập luận rằng những động thái như vậy "đã tác động đến sự ổn định toàn cầu, làm xói mòn niềm tin chiến lược lẫn nhau giữa các nước lớn và làm suy yếu cơ chế kiểm soát vũ khí quốc tế".
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cảnh báo về sự không chắc chắn trong lĩnh vực an ninh chiến lược quốc tế. Ảnh: PLA
Theo lời người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc, "Trung Quốc và Nga đều tin rằng họ cần tăng cường lập kế hoạch hợp tác chiến lược, tuân thủ chủ nghĩa đa phương, kiểm tra chặt chẽ xu hướng tiêu cực và chống lại tác hại của chủ nghĩa đơn phương". "Đối với các cuộc đàm phán ba bên về kiểm soát vũ khí, lập trường của Trung Quốc rất rõ ràng. Tiền đề và cơ sở cho các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí ba bên hoàn toàn không tồn tại và Trung Quốc sẽ không bao giờ tham gia", ông Lục nhấn mạnh.
Hồi tháng 2, Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ đã ký với Liên Xô vào năm 1987. Hiệp ước cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Khi đó, tổ hợp Novator 9M729 của Moscow bị Washington cáo buộc có tầm bay lên đến gần 5.000 km, vi phạm hiệp ước này. Một mặt bác bỏ cáo buộc, các quan chức Nga cáo buộc hệ thống Aegis Ashore mà Mỹ đặt tại Ba Lan và Romania có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn tới 2.500 km, vi phạm hiệp ước. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng gọi động thái của Mỹ là "đáng tiếc" vào thời điểm đó và cảnh báo có thể "gây ra một loạt hậu quả bất lợi".
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có tham gia INF mới hay không, ông Cảnh cho biết động thái đó "liên quan đến một loạt các vấn đề phức tạp bao gồm các lĩnh vực chính trị, quân sự và pháp lý, gây ra mối quan ngại từ nhiều quốc gia" và "điều bắt buộc tại thời điểm này là phải duy trì và thực hiện hiệp ước hiện tại thay vì tạo ra một hiệp ước mới".
Mặc dù ông Trump tuyên bố đã nói chuyện với các quan chức Trung Quốc, những người "rất muốn trở thành một phần" của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) ba bên, ông Cảnh nói với các phóng viên hồi đầu tháng này rằng Trung Quốc "sẽ không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào về thỏa thuận giải trừ hạt nhân ba bên".
H.Bình - (nld.com.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)