Ông Assange bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Gián điệp của Mỹ khi công bố bất hợp pháp tên của các nguồn tin mật, cũng như đã cấu kết với cựu phân tích tình báo của quân đội Mỹ - Chelsea Manning - nhằm tiếp cận nhiều tài liệu mật.
Ông Assange ban đầu bị buộc tội thông đồng với Chelsea Manning để có quyền truy cập vào máy tính của chính phủ Mỹ. Hàng trăm ngàn tài liệu liên quan đến quân đội Mỹ tại Afghanistan và Iraq bị trang WikiLeaks tung lên mạng trong năm 2010.
Theo hãng tin Reuters, nhà sáng lập Wikileaks đang phải đối mặt với 18 tội danh kể từ khi bị bắt từ Đại sứ quán Ecuador tại Anh, nơi ông ta xin tị nạn kể từ năm 2012. Nếu bị kết tội, ông Assange có thể đối mặt với bản án hàng chục năm tù.
Quyết định truy tố Assange theo các điều trong Đạo luật Gián điệp Mỹ được cho là sự bất thường đáng chú ý.
Hầu hết các trường hợp bị truy tố hay buộc tội trong các vụ án liên quan đến đánh cắp tài liệu mật đều là các nhân viên chính phủ Mỹ, những người trực tiếp làm việc đó như Chelsea Manning, chứ không phải những người công bố thông tin như nhà sáng lập Wikileaks.
Giáo sư luật Geoffrey Stone của Đại học Chicago xác nhận trước nay chính phủ Mỹ chưa bao giờ truy tố thành công bất kỳ ai ngoài nhân viên chính phủ vì rò rỉ thông tin mật.
Ông Julian Assange rời khỏi tòa án ở London ngày 1-5. Ảnh: REUTERS
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, ông Assange không chỉ hỗ trợ và khuyến khích Chelsea Manning đánh cắp tài liệu mật, mà việc công bố danh tính còn gây nguy hiểm tính mạng đối với người vô tội tại Afghanistan, Iraq, các nhà báo, lãnh đạo tôn giáo, những người ủng hộ quyền con người... Các nguồn tin riêng của Reuters tiết lộ Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu ông Assange không tiết lộ danh tính các nguồn tin đó, nhưng Wikileaks đã phớt lờ lời cảnh báo.
Ở chiều ngược lại, Barry Pollack, một luật sư người Mỹ bảo vệ cho ông Assange, nhấn mạnh: "Những lời buộc tội trong vụ truy tố ông Assange cho thấy một sự nghiêm trọng của các mối đe dọa đối với các nhà báo trong nỗ lực thông báo cho công chúng về những việc làm của chính phủ Mỹ". Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo, các quan chức của Bộ Tư pháp cho biết họ không coi ông Assange là một nhà báo.
Chelsea Manning bị bắt vào tháng 5-2010 và bị tòa án kết án vào năm 2013 về tội gián điệp liên quan đến những tài liệu mật bị rò rỉ trên Wikileaks năm 2010. Sau đó, Tổng thống Mỹ thời điểm đó là ông Barack Obama đã giảm án xuống còn 7 năm nhưng hiện Chelsea Manning vẫn còn ở tù sau khi liên tục từ chối làm chứng trước bồi thẩm đoàn về việc điều tra ông Assange.
Hiện ông Assange đấu tranh để không bị dẫn độ về Mỹ sau khi bị cảnh sát Anh bắt giữ. Ông này đang thi hành bản án tù giam 50 tuần ở Anh vì bỏ trốn sau khi được cho bảo lãnh tại ngoại.
Thụy Điển cũng mở lại cuộc điều tra hình sự về các cáo buộc nhà sáng lập Wikileaks cưỡng hiếp một phụ nữ khi đến nước này và gửi yêu cầu dẫn độ đến Anh. Ngoài ra, trước khi bị bắt tại Anh, ông Assange cũng bị cáo buộc lạm dụng tình dục hai người phụ nữ khác.