Hải quân Trung Quốc thắt lưng buộc bụng chi tiêu vì chiến tranh thương mại?

Thứ hai, 27 Tháng 5 2019 14:01 (GMT+7)
Trung Quốc đang phải đánh giá lại các kế hoạch đóng tàu của hải quân trước những thách thức kinh tế, kỹ thuật và chiến lược trong và ngoài nước, theo các chuyên gia quân sự.

Trong khi mục tiêu hiện đại hóa quân đội của Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn là ưu tiên hàng đầu, các quan chức cao cấp Trung Quốc lại lo lắng chi phí cao ngất ngưỡng để chế tạo một thế hệ tàu quân sự mới như tàu sân bay và tàu khu trục. Bắc Kinh nhiều lần nói rằng tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ có thể gồng gánh được.

Thế nhưng, các nhà quan sát cho rằng Hải quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang chịu áp lực phải điều chỉnh kế hoạch chi tiêu. Đó là vì không chắc chắn về triển vọng kinh tế của đất nước cũng như sự phát triển công nghệ và nhân sự chậm hơn dự kiến.

Một nguồn tin quân sự nhận xét: "Căng thẳng đang leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ nhắc nhở các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cần cẩn thận với các khoản chi cho các tàu chiến mới". Ví dụ, chi phí một tàu sân bay có thể lên đến 7,2 tỉ USD khi giá của vũ khí công nghệ cao, hệ thống điều khiển, hệ thống liên lạc và máy bay chiến đấu được bổ sung vào chi phí đóng tàu.

Hải quân Trung Quốc thắt lưng buộc bụng chi tiêu vì chiến tranh thương mại? - Ảnh 1.

Tổng chi phí đóng tàu sân bay có thể lên tới 7,2 tỉ USD. Ảnh: REUTERS

Nguồn tin cho biết cũng cần phải xem xét lại kế hoạch chế tạo 8 khu trục hạm Type 055 thế hệ tiếp theo với lượng giãn nước lên tới gần 12.000 tấn, chiến hạm lớn nhất thuộc loại tàu này trong hạm đội Trung Quốc. "Mỗi chiếc Type 055 tiêu tốn hơn 6 tỉ nhân dân tệ, đắt gấp đôi so với Type 052D, vốn là lực lượng nòng cốt trong hải quân Trung Quốc", nguồn tin nói.

Thế nhưng, các chuyên gia quân sự cho rằng không chỉ chi phí đóng tàu cần được xem xét. Việc vận hành một nhóm tác chiến tàu sân bay trên biển, bao gồm tàu sân bay, ít nhất 2 tàu khu trục, 2 tàu hộ tống, vài tàu ngầm và 1 tàu cung ứng, là rất đắt đỏ. Chi phí bảo trì - các tàu sân bay thường được kiểm tra định kỳ và sữa chữa cứ 6 tháng một lần – tạo thêm gánh nặng lớn cho ngân sách của hải quân.

Theo chuyên gia hải quân Lý Kiệt tại Bắc Kinh, Bắc Kinh đã lên kế hoạch thành lập 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030, với 3 nhóm sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào. Trung Quốc hiện có hai tàu sân bay: tàu sân bay "Liêu Ninh" mua của Ukraine vào năm 1998 và đi vào hoạt động vào năm 2012; và Tàu sân bay sản xuất nội địa đầu tiên của nước này, Type 001A, dựa trên thiết kế của tàu Liêu Ninh.

Hải quân Trung Quốc thắt lưng buộc bụng chi tiêu vì chiến tranh thương mại? - Ảnh 2.

Tàu sân bay nội địa Type 001A của Trung Quốc Ảnh: IMAGINECHINA

Một nguồn tin thân cận với lực lượng hải quân cho biết Trung Quốc cũng cần phát triển phi đội máy bay tiên tiến hơn cho tàu đổ bộ trực thăng Type 075B và tàu sân bay Type 002, vốn đang được phát triển. Nguồn tin hải quân cho biết các tàu Type 075 dự kiến được trang bị máy bay có thể cất cánh với đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng tương tự chiến đấu cơ F-35B Mỹ. Dẫu rằng Trung Quốc vẫn chưa làm chủ các công nghệ này.

F-35 là chương trình vũ khí đắt đỏ nhất của Mỹ, với tổng chi phí dự kiến lên tới 428 tỉ USD. Nhật Bản dự kiến mua hơn 40 chiếc F-35B, phiên bản cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, cho 2 tàu sân bay đa năng lớp Izumo.

Không giống tàu Liêu Ninh và Type 001A, vốn đường trang bị đường trượt để các máy bay như J-15 có thể cất cánh, tàu sân bay Type 002A sẽ được trang bị hệ thống phóng điện từ. Điều đó có nghĩa là quân đội Trung Quốc phải phát triển một mẫu máy bay mới - giống với F-18 của Mỹ, để phù hợp với nó.

Hải quân Trung Quốc thắt lưng buộc bụng chi tiêu vì chiến tranh thương mại? - Ảnh 3.

Trung Quốc đã chế tạo 4 tàu khu trục Type 055 trong bảy năm qua. Ảnh: REUTERS

"Trung Quốc có thể cần từ 10-20 năm để phát triển thế hệ mới máy bay chiến đấu trang bị cho tàu sân bay, có nghĩa là J-15 sẽ là máy bay chủ đạo trong một thời gian, dù nó có các vấn đề về động cơ và kiểm soát bay", các nguồn tin hải quân tiết lộ.

Hải quân Trung Quốc đã mở rộng đáng kể trong 30 năm qua với chi phí quốc phòng thường niên tăng ở mức 2 con số từ trong giai đoạn 1989-2015, nhờ sự phát triển kinh tế nhanh chóng. Năm 2018, hải quân Trung Quốc đã sở hữu hơn 300 tàu, so với con số 287 của Mỹ, theo Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington.

Dù sở hữu nhiều tàu nhưng chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh Chu Thần Minh cho rằng Trung Quốc vẫn đứng sau Mỹ xét về công nghệ phần mềm và phần cứng. Trong khi đó, Adam Ni, một nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Macquarie ở Sydney (Úc), cho rằng các quan chức hải quân Trung Quốc phải cân bằng các nhu cầu như thủy quân lục chiến, không quân hải quân và các tàu ngầm.

H.Bình - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới