Сả thế giới đang căng thẳng theo dõi tình hình ở vùng Vịnh. Tất cả đều chờ xem chuyện gì sẽ tiếp diễn và theo dõi diễn biến từ xa.
Có điều, mọi người đều nhất trí cho rằng chuyện đang xảy ra ở vùng Vịnh có lợi cho Moscow.
Một cuộc biểu tình phản đối Mỹ ở Tehran. Ảnh: AP
"Nói chung, trên thực tế, toàn bộ tình hình hiện nay đều rất có lợi cho Nga. Trước tiên, đó là bởi vì giá dầu tăng. Giá dầu tăng có nghĩa là ngân sách Nga sẽ có thêm hàng tỉ hoặc hàng chục tỉ USD " - chuyên gia Mikhail Magid, nhà Đông phương học người Nga, xác nhận.
Theo ông, Iran đang bị ép ra khỏi thị trường dầu mỏ và Ả Rập Saudi và Nga - hiện đang ở giai đoạn hợp tác nhất định - có kế hoạch chiếm lấy vị trí đó. Hai nước này phân chia thị trường và người tiêu dùng để bán dầu - điều mà Iran không còn có thể làm được nữa.
Chuyên gia này cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay góp phần gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào dầu mỏ của Nga: Châu lục này nhập khẩu 30% dầu từ Nga và sẽ không còn có thể sử dụng Iran như một giải pháp thay thế nữa, như đã từng xảy ra sau khi có thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln và một tàu khu trục của Mỹ trong một cuộc tập trận ở vùng Vịnh. Ảnh: AP
Tuy nhiên, thời điểm quan trọng nhất của cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh, có lợi cho Nga, theo nhà Đông phương học này, là Mỹ bị cuốn hút vào các sự kiện ở khu vực Cận Đông. Điều này cho phép Moscow tự do hành động ở các hướng khác.
Ông Magid cho rằng Kremlin sẽ đưa ra những tuyên bố giận dữ và kêu gọi Mỹ phải chịu trách nhiệm vì đã từ bỏ thỏa thuận với Iran. Tuy nhiên, Moscow sẽ không vượt ra ngoài phạm vi các tuyên bố và sẽ không can thiệp vào cuộc xung đột này.
Mỹ cho biết sẽ cử thêm 1.500 quân đến Trung Đông. Ảnh: DPA
Các sự kiện gần đây cho thấy cả hai bên xung đột chưa sẵn sàng cho một cuộc xung đột vũ trang. Tình huống không khác gì chuyện "cắn ngón tay", hoặc như báo Ha'aretz của Israel gọi là đặt cược vào "người nháy mắt trước".
Tuy nhiên, căn cứ các báo cáo của giới truyền thông Nga thân Kremlin, kịch bản phát triển xung đột như vậy ở Vịnh Ba Tư không đáp ứng kỳ vọng của Moscow. Phía Mỹ sẽ không châm dầu vào lò lửa Iran để ngọn lửa xung đột sẽ tắt ngúm đi.
Trong khi đó, tờ báo trực tuyến Free Press (Ấn Độ) ủng hộ Iran rất nhiệt tình, đồng thời đưa tin vào ngày 21-5 vừa qua, tàu hàng quân sự Sparta-2 của Nga đã chở đến Iran các thiết bị quân sự không xác định. Theo tờ báo, trong những năm gần đây, con tàu này được sử dụng để vận chuyển các phương tiện từ các hải cảng ở Nga đến Syria, nhưng lần này có thể nó chở các hệ thống phòng không và tên lửa đối hạm.
Cũng theo báo này, Trung Đông đang gần với thế chiến thứ ba, Mỹ và Iran có nguy cơ khiến khu vực này đổ máu, so với nó - cuộc chiến Syria có vẻ như là "một cuộc xung đột vũ trang khiêm tốn".
Trái lại, ông Mikhail Roshchin, chuyên gia về các vấn đề Trung Đông và là thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu phương Đông, nhận xét mọi chuyện mới chỉ giới hạn ở các mối đe dọa lẫn nhau và không có cơ sở để tin rằng Mỹ đang chuẩn bị chiến tranh. Theo ông Roshchin, nếu người Mỹ quyết định tấn công Iran, thì "chắc chắn đó sẽ không phải là một cuộc dạo chơi" như cuộc xâm lược Iraq, khi họ có thể "mua" các tướng lĩnh Iraq.
Còn theo báo Nezavisimaya Gazeta (Nga), mặc dù ông Trump tuyên bố Washington không muốn chiến tranh với Tehran, vẫn có dấu hiệu cho thấy sự việc đang đi theo hướng dẫn tới chiến tranh. Theo đó, mối đe dọa nổ ra một cuộc chiến ở Trung Đông là "nhiều hơn thực tế".
Tờ báo nhấn mạnh không rõ lý do vì sao các tàu chiến Mỹ tiến đến gần lãnh thổ Iran, mặc dù khi đó chúng có thể trở thành mục tiêu của các vụ tấn công bằng vũ khí chiến thuật.
Do đó, tờ báo này cho rằng Lầu Năm Góc tập trung lực lượng tại Vịnh Ba Tư như một phần của màn biểu dương sức mạnh nhằm kích động Iran thực hiện các hành động quân sự trả đũa.
Ngoài ra, tờ báo tin rằng Washington hiện không thể thành lập một liên minh, tương tự như vào thời chiến tranh Iraq năm 2003 và do đó sẽ dựa vào một "cuộc chiến tranh lai". Điều này ngụ ý việc sử dụng các biện pháp kinh tế và tấn công thường xuyên vào lực lượng Iran ở Syria, Yemen và một phần ở Iraq.