Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của EP mới là bổ nhiệm tân chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành của EU chịu trách nhiệm đưa ra những đạo luật mới và phân bổ ngân sách. Ứng cử viên này được đưa ra bởi người đứng đầu quốc gia hay chính phủ của EU trong Hội đồng châu Âu, có tính đến kết quả cuộc bầu cử EP. Sau đó, nhân vật này phải nhận được sự tán thành của đa số thành viên EP.
Theo kênh Al Jazeera, đa số thủ lĩnh của 8 phe nhóm tại EP đều muốn chủ tịch EC được chọn trong số các ứng cử viên hàng đầu của từng nhóm chính trị đã được công bố trước khi diễn ra bầu cử. Trong khi đó, theo đài BBC, cuộc bầu cử EP vừa qua khiến EU bị phân mảnh nhiều hơn nên cơ hội đạt được sự đồng thuận lúc này càng khó khăn hơn.
Biểu tình kêu gọi đoàn kết bên ngoài Nghị viện châu Âu ở Brussels - Bỉ hôm 28-5 Ảnh: REUTERS
Tại hội nghị cấp cao EU ở Brussels đêm 28-5, Pháp và Đức đã bất đồng quan điểm về nhân vật sẽ nhận lãnh một trong những vai trò then chốt này của EU. Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn ứng cử viên người Đức Manfred Weber sẽ là chủ tịch kế tiếp của EC. Ông Weber đang gặp bất lợi khi Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu của ông vừa mất gần 40 ghế tại EP (từ 217 còn 180) dù đây vẫn là đảng nắm nhiều ghế nhất tại cơ quan gồm 751 ghế này.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị 3 nhân vật tiềm năng, gồm Frans Timmermans (trung tả), Margrethe Vestager (tự do) và Michel Barnier - trưởng đoàn thương thuyết Brexit của EU.
Tân chủ tịch EC sẽ nhận nhiệm vụ vào ngày 1-11. Ngoài ra, cuộc tranh đua còn đang diễn ra với các vị trí hàng đầu khác, trong đó có Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu.