The Diplomat ngày 29-5 đưa tin Trung Quốc sẽ cử Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa tới SLD 2019. Ông Ngụy dự kiến phát biểu vào ngày cuối cùng của diễn đàn và là đại biểu cấp cao nhất của Trung Quốc tham dự kể từ năm 2011.
Sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc được xem là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của SLD 2019. Các nhà hoạch định chính sách quốc phòng châu Á sẽ nhóm họp ở Singapore trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh leo thang căng thẳng, đặc biệt là về thương mại.
Theo The Diplomat, bài phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long dự kiến tập trung vào sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, tác động của nó đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như vai trò của các quốc gia nhỏ hơn trong việc tăng cường an ninh khu vực và trật tự thế giới.
Đối thoại Shangri-La 2018. Ảnh: CGTN
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh ngày càng tỏ ra quyết đoán và khẳng định yêu sách chủ quyền ở biển Đông, biển Hoa Đông và Đài Loan. Trong khi nhiều quốc gia ngại đối đầu trực tiếp với Trung Quốc vì sợ ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế, Mỹ vẫn đều đặn tiến hành các hoạt động tự do hàng hải, thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Song song đó, sự nhiệt tình của Bắc Kinh khi tham gia vào các diễn đàn do phương Tây hoặc Mỹ dẫn đầu dường như đang bị suy giảm. Chẳng hạn Trung Quốc chỉ gửi bộ trưởng quốc phòng tới SLD gần đây nhất là năm 2011. Kể từ đó, họ tỏ ra ít "mặn mà" với SLD hơn, có lẽ ủng hộ các cuộc đối thoại an ninh theo chiều hướng mà Trung Quốc mong muốn, ví dụ như Diễn đàn Đường Sơn II tổ chức ở Bắc Kinh.
Vì vậy, sự xuất hiện của ông Ngụy tại SLD 2019 gây nhiều chú ý. The Diplomat nhận định việc tham gia diễn đàn ở Singapore sẽ là nền tảng để ông Ngụy "thổi phồng những đóng góp của Trung Quốc dành cho an ninh khu vực", đồng thời trả lời những thắc mắc về cách Bắc Kinh hình dung vai trò của mình ở châu Á.
Ông Ngụy (phải) tay người đồng cấp Mỹ James Mattis tại Hội nghị Các bộ trưởng quốc phòng ASEAN 2018. Ảnh: ĐSQ Mỹ tại Trung Quốc
Hơn nữa, sau khi ưu tiên các sự kiện an ninh khác ở châu Á trong những năm vừa qua, Trung Quốc có thể thay đổi lộ trình bằng cách tái tham dự SLD 2019. The Diplomat cho rằng Bắc Kinh dường như không muốn bị loại ra khỏi diễn đàn này.
Ngoài ra, việc Mỹ giảm sự tham gia thực sự hoặc giảm sự nhận thức đối với châu Á ở cấp khu vực đảm bảo cho Trung Quốc giữ vai trò nổi bật hơn. Thành viên cấp cao William Choong đến từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) viết trên mạng xã hội Twitter rằng SLD 2019 có thể sẽ chứng kiến cuộc đụng độ giữa một tầm nhìn do Mỹ - Nhật Bản dẫn đầu về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Trung Quốc thúc đẩy một châu Á cho người châu Á.
Bên cạnh căng thẳng Mỹ - Trung, SLD 2019 cũng sẽ tập trung vào ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên, vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc đối với an ninh quốc tế và những thách thức của châu Á.