Tại Đối thoại Shangri-La 2019 (SLD), diễn ra ở Singapore từ ngày 31-5 đến 2-6, các quan chức và học giả sẽ trao đổi về một loạt vấn đề an ninh nóng nhưng nhiều khả năng cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là trọng tâm các cuộc thảo luận.
Trong diễn biến đáng chú ý, Trung Quốc đã cử Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa tới tham dự diễn đàn an ninh hàng đầu châu Á lần này. Là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đầu tiên dự SLD kể từ năm 2011, ông Ngụy dự kiến có bài phát biểu vào ngày cuối cùng của diễn đàn năm nay. Trong giai đoạn 2012-2018, Bắc Kinh chỉ cử quan chức cấp thấp tham dự SLD. Theo tạp chí The Diplomat, SLD 2019 là cơ hội để ông Ngụy nói về "những đóng góp của Trung Quốc cho an ninh khu vực", đồng thời làm rõ vai trò của Bắc Kinh tại châu Á.
Sự hiện diện của ông Ngụy và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tại SLD 2019 càng khiến dư luận thêm chú ý đến cuộc đối đầu giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới này. Theo báo Today (Singapore), SLD 2019 diễn ra giữa lúc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang bế tắc, tạo sự bất ổn lớn cho khu vực. Chưa hết, hai bên còn đang tranh cãi về những vấn đề an ninh chiến lược, như biển Đông và eo biển Đài Loan.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford hôm 29-5 chỉ trích Bắc Kinh phá vỡ lời hứa về việc không quân sự hóa biển Đông. Trong bài phát biểu tại Viện Brookings (Mỹ), ông Dunford kêu gọi phản ứng tập thể và nhất quán đối với bất kỳ hành động mở rộng nào của Trung Quốc ở biển Đông thời gian tới.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan phát biểu tại thủ đô Jakarta trong chuyến thăm Indonesia hôm 30-5 trước khi đến Singapore dự Đối thoại Shangri-La Ảnh: Reuters
Vào tuần rồi, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã trình lên quốc hội dự luật trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc có dính líu đến hoạt động quân sự hóa ở biển Đông và Hoa Đông. Hải quân Mỹ thời gian qua còn tăng cường các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải tại biển Đông, trong đó có 2 lần trong tháng 5, nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở đó.
Phát biểu trước khi đến Singapore, ông Shanahan hôm 29-5 tìm cách xoa dịu những lo ngại rằng thương chiến Mỹ - Trung có thể làm phức tạp thêm các cuộc thảo luận quốc phòng giữa Washington và Bắc Kinh. Theo đài CNBC, ông Shanahan cho biết sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa bên lề SLD 2019 trong ngày 1-6 với mục tiêu tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác khả dĩ với Bắc Kinh. "Chúng tôi có thể sẽ thảo luận rất thẳng thắn về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, quân sự hóa biển Đông hoặc một loạt vấn đề khác" - quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thông tin.
Cuộc gặp như thế, nếu diễn ra, vẫn không đủ khỏa lấp thực tế rằng sự cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ bao trùm các phiên họp của SLD năm nay, trong đó có các phiên họp toàn thể về an ninh Triều Tiên và an ninh châu Á và những phiên họp đặc biệt, như về phát triển hạ tầng tại khu vực…
Ngay cả nội dung bài phát biểu của quan chức Mỹ và Trung Quốc cũng cho thấy rõ điều này. Theo tạp chí Diplomat (Nhật), ông Shanahan sẽ có bài phát biểu về những khía cạnh quốc phòng của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở (FOIPS) của Mỹ trong ngày 1-6. Một ngày sau, đến lược ông Ngụy có bài phát biểu về vị trí của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương - theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức diễn đàn.
Việt Nam khẳng định vai trò tích cực
Nhận lời mời của Ban Tổ chức SLD, ngày 30-5, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam, lên đường tham dự SLD lần thứ 18 diễn ra tại Singapore từ ngày 31-5 đến 2-6. Tham dự đối thoại lần này, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Phiên toàn thể thứ năm, diễn ra ngày 2-6, với chủ đề "Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh".
Theo TTXVN, sự tham dự của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và đoàn đại biểu quân sự cấp cao tại đối thoại lần này khẳng định vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực; thể hiện thiện chí của Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung.
SLD lần này có 6 phiên toàn thể với các chủ đề: Tầm nhìn của Mỹ về an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; An ninh Triều Tiên: Những bước tiếp theo; Trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á và những thách thức; Trung Quốc và hợp tác an ninh quốc tế; Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh; Bảo đảm một khu vực tự cường và ổn định. Ngoài ra, có 6 phiên họp đồng thời với các chủ đề liên quan đến an ninh hàng hải, phát triển công nghiệp quốc phòng, hợp tác quốc phòng...
Hoàng Phương