Theo Reuters, ông Vought đã gửi một bức thư tới Phó Tổng thống Mike Pence và 9 thành viên của Quốc hội Mỹ vào ngày 4-6, yêu cầu trì hoãn các hạn chế đối với Huawei trong vòng 4 năm để "đảm bảo thực thi lệnh cấm hiệu quả mà không làm ảnh hưởng đến các mục tiêu bảo mật".
Bức thư viết rằng lịch trình thực hiện những hạn chế đối với Huawei sẽ làm giảm đáng kể số lượng nhà thầu có thể bán thiết bị cho chính phủ Mỹ.
Ông Vought đề nghị hoãn lệnh cấm mua thiết bị của Huawei sau 4 năm nữa thay vì 2 năm như hiện tại. Điều này sẽ cho phép Washington xem xét các tác động tiềm tàng cũng như các giải pháp khả thi.
Quyền Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng Russell Vought. Ảnh: Reuters
Quyền Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng cũng yêu cầu tổ chức nhiều diễn đàn công cộng nhằm lắng nghe ý kiến từ các nhà cung cấp về lệnh cấm đối với Huawei.
Văn phòng Phó Tổng thống Pence chưa bình luận về thông tin nói trên.
Dự luật chi tiêu của Lầu Năm Góc năm 2020 - được ký thành luật hồi năm ngoái – đã cấm các cơ quan và nhà thầu liên bang Mỹ mua thiết bị của Huawei vì lo ngại an ninh quốc gia gặp nguy hiểm.
Tuy nhiên, Huawei - nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới - phủ nhận họ bị chính phủ, quân đội hoặc tình báo Trung Quốc kiểm soát.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 9-6 cho biết Tổng thống Donald Trump có thể giảm bớt các hạn chế đối với Huawei nếu đàm phán thương mại Mỹ - Trung tiến triển. Còn không, Washington sẽ duy trì thuế quan nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại.
Ông Mnuchin phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Nhật Bản ngày 8-6. Ảnh: EPA
Ông Mnuchin nhấn mạnh rằng Mỹ sẵn sàng thỏa thuận với Trung Quốc nhưng sẽ duy trì thuế quan, mục đích cân bằng lại mối quan hệ giữa hai nước.
Bình luận về một thỏa thuận nhập cư giữa Mexico và Mỹ, ông Mnuchin tin rằng Mexico sẽ đáp ứng các cam kết của mình, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ áp đặt thuế nếu các cam kết không được đáp ứng. Ông Trump trước đó thông báo hủy bỏ việc áp thuế 5% đối với hàng hóa Mexico.