Lại vừa mới có thêm 2 con tàu chở dầu nữa bị phá hoại ở vùng Vịnh, lần này ở vịnh Oman sau 4 con tầu bị phá hoại cách đây một tháng ở vùng ngoài khơi của bờ biển Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Nhanh chóng hơn lần trước rất nhiều là việc Mỹ đổ hết trách nhiệm cho Iran, đưa ra một video clip đen trắng chất lượng mờ nhoà làm bằng chứng. Lần trước, bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton quả quyết Iran là thủ phạm nhưng không đưa ra được bất cứ bằng chứng gì.
Lần này, ông Bolton im lặng, nhưng lại có thêm đích thân tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Iran là thủ phạm. Ở những nơi khác và liên quan đến đối thủ khác của Mỹ, như thế cho tới nay thường là quá đủ để Mỹ lấy cớ tiến hành những hành động quân sự. Nhưng phía Mỹ chưa thấy có hành động quân sự gì nhằm vào Iran. Sự thể hiện thái độ của ông Trump thậm chí còn có phần ôn hoà và chắc chắn là rất kiềm chế. Sau đấy, ông Trump lại còn tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Iran.
Hiện tại ở khu vực vùng Vịnh này tồn tại nhiều nghịch lý mà tác động cộng hưởng của chúng khiến cho tình hình chính trị an ninh diễn biến không biết đâu mà lường được.
Nghịch lý đầu tiên và cũng bao trùm lên tất cả với tác động quyết định nhất là Mỹ và Iran không chỉ khẩu chiến với nhau quyết liệt mà còn đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đối đầu trực tiếp với nhau về quân sự ở vùng Vịnh nhưng mục đích chính lại không phải để cùng hướng tới hay xô đẩy nhau đến trận kịch chiến quân sự sống còn với nhau mà lại là nhằm để trận ấy không xảy ra. Khi xưa, Mỹ đã từng trợ giúp Iraq chiến tranh với Iran. Mỹ và Iran thù địch nhau kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979 nhưng hai bên chưa từng lần nào giao tranh quân sự trực tiếp với nhau. Cả hai ý thức được rằng trong bối cảnh tình hình hiện tại ở khu vực và trên thế giới, chiến tranh với nhau sẽ gây ra tác hại khôn lường cho chính họ, cho khu vực và cho cả thế giới.
Cả hai chỉ có thể đều thua chứ không thể thắng trong cuộc chiến tranh. Mỹ đúng là mạnh hơn Iran về quân sự nhưng nếu chiến tranh xảy ra thì Iran vẫn có đủ khả năng để gây thiệt hại cho Mỹ ở mức độ có lẽ chỉ sau cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đối với Mỹ. Không nghịch lý sao được khi ông Trump gia tăng căng thẳng và đối địch, luôn tỏ ra sẵn sàng tiến hành chiến tranh chống Iran nhưng trong thâm tâm lại không muốn để xảy ra chiến tranh với Iran. Cái nghịch lý ở chuyện vùng Vịnh đối với cá nhân ông Trump là dùng chiến tranh với Iran để tạo hình ảnh người hùng ở Mỹ nhưng trong thâm tâm không muốn gây chiến tranh với Iran và lý trí mách bảo là phải tránh gây chiến với Iran nếu muốn tái đắc cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Nghịch lý tiếp theo là chính Mỹ tạo điều kiện và hoàn cảnh thuận lợi để kẻ nào đó có thể xô đẩy Mỹ vào cuộc chiến tranh với Iran mà Mỹ muốn tránh. Những vụ phá hoại tầu chở dầu đã xảy ra ở hai bên eo biển Hormuz đã biến nghịch lý này hiện trở thành thử thách phức tạp đối với Mỹ. Nếu muốn không để xảy ra đụng độ quân sự hay chiến tranh thì cả Mỹ lẫn Iran đều phải vừa kiểm soát được nội bộ vừa không để bị sa vào bẫy gài của kẻ thứ ba ở bên ngoài kích động và nguỵ tạo hành động khiêu khích lẫn nhau để đụng độ quân sự với nhau.
Một nghịch lý nữa là Mỹ thừa biết thiên hạ rất nghi ngờ về mọi bằng chứng Mỹ đưa ra để cáo buộc Iran gây chuyện nhưng Mỹ vẫn đưa ra. Xưa nay, để kiếm cớ phát động chiến tranh, Mỹ đâu có ngần ngại tạo dựng chứng cứ giả. Ngày nay, thiên hạ tiếp cận những bằng chứng của Mỹ trong sự liên tưởng tức khắc tới những vụ việc đã xảy ra trong quá khứ như cái gọi là Sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964, cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq năm 2003 hay việc Mỹ không kích Syria năm 2017 với cáo buộc quân đội chính phủ Syria sử dụng chất độc hoá học. Thực chất của nghịch lý này là Mỹ cố đấm ăn xôi.
Không phải nghịch lý sao khi Mỹ và Iran biết là không thể ngồi vào bàn đối thoại với nhau nhưng lại đều tỏ ra sẵn sàng đàm phán với nhau, cho dù một bên không và một phía có đặt điều kiện tiên quyết. Tuy ghét nhau như chan tương đổ mẻ, tuy thù địch nhau như thể không đội trời chung, hai bên đều biết là chỉ đối thoại và đàm phán với nhau thì mới có thể xử lý được mọi vấn đề. Nhưng hiện tại, thời điểm không thích hợp, bối cảnh tình hình không thích hợp và con người cụ thể càng không thích hợp.
Những nghịch lý này khiến cho chuyện chiến tranh hay hoà bình, xung khắc hay hoà dịu giữa Mỹ và Iran diễn biến rất khó lường và chịu tác động nhiều khi rất mạnh từ diễn biến tưởng như chỉ rất nhỏ và đơn giản. Chúng cho thấy cả Mỹ lẫn Iran luôn bị giằng xé giữa tình cảm và lý trí mà cho tới nay lý trí vẫn chế ngự được tình cảm.