Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm 17-6 cho biết Tổng thống Donald Trump sẵn sàng áp thêm thuế nhập khẩu lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ông Ross không kỳ vọng hai nước có thể đạt được một thỏa thuận như thế tại cuộc gặp tiềm tàng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới) ở TP Osaka - Nhật Bản cuối tháng này. "Điều dễ xảy ra nhất tại Hội nghị G-20 là một thỏa thuận giúp nối lại đàm phán" - ông nói với đài CNBC.
Cụ thể, hai bên có thể đặt ra những quy định mới cho thảo luận và thời điểm hai bên có thể gặp lại nhau. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ross nhấn mạnh rằng đối với bất kỳ thỏa thuận tiềm tàng nào giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, vấn đề thực thi luôn là yếu tố quan trọng nhất.
Các công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất điện thoại của Tập đoàn Huawei ở Trung Quốc Ảnh: Reuters
Trước đó, ông chủ Nhà Trắng vào tháng rồi bất ngờ tố Trung Quốc "thất hứa" trong quá trình đàm phán và thông báo tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh sau đó đáp trả bằng động thái tương tự đối với 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ.
Chứng kiến viễn cảnh Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận "đình chiến thương mại" còn mờ mịt, theo hãng tin Reuters, hơn 600 công ty Mỹ đã gửi thư thúc giục Tổng thống Trump giải quyết cuộc tranh chấp này trong lúc nhấn mạnh các biện pháp thuế quan đã tác động tiêu cực đến doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Nội dung lá thư cũng cảnh báo về nguy cơ 2 triệu việc làm bị mất ở Mỹ nếu Washington tiếp tục áp thuế 25% lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.
Một số hãng chip Mỹ cũng đang lo lắng về tác động từ hành động cứng rắn của Mỹ nhằm vào Tập đoàn Thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc) thời gian gần đây. Theo Reuters, một số công ty Mỹ chuyên cung cấp chip cho Huawei, trong đó có Qualcomm và Intel, đang âm thầm thúc ép Washington nới lỏng lệnh cấm giao dịch với tập đoàn Trung Quốc này.
Theo lập luận của các hãng chip Mỹ, một số sản phẩm Huawei, như điện thoại thông minh và máy chủ, thường sử dụng các linh kiện phổ biến sẵn có và khó có thể gây ra mối đe dọa an ninh như những thiết bị mạng 5G. "Đây không phải là hành động hỗ trợ Huawei. Mục tiêu của họ là ngăn chặn tác động xấu đối với các công ty Mỹ" - một nguồn tin lý giải. Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) cho biết đã thu xếp các cuộc tham vấn với chính phủ Mỹ và đề cập tác động của lệnh cấm Huawei lên các công ty Mỹ.
Đối mặt chính sách cứng rắn của Washington, nhà sáng lập Tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi hôm 17-6 cho biết doanh thu của đại gia công nghệ Trung Quốc này thấp hơn 30 tỉ USD so với dự báo trong 2 năm tới. Ông Nhậm dự đoán doanh thu của công ty sẽ vào khoảng 100 tỉ USD trong 2 năm 2019 và 2020 vì hoạt động kinh doanh chịu áp lực từ lệnh trừng phạt của Mỹ. Con số này năm 2018 là 105 tỉ USD.
Dù vậy, ông Nhậm tin rằng hoạt động kinh doanh sẽ phục hồi vào năm 2021. Nhà sáng lập Huawei cũng khẳng định sẽ không cắt giảm chi phí nghiên cứu và phát triển bất chấp động thái này có thể ảnh hưởng đến tài chính của công ty.