Reuters dẫn lời ông Shanahan cho biết Mỹ sẽ gửi khoảng 1.000 binh sĩ tới Trung Đông cho "mục đích phòng thủ" cũng như phản ứng trước "hành vi thù địch của Iran".
Trong tuyên bố vào tối 17-6 (giờ địa phương), Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh nước này không định gây xung đột với Iran mà chỉ muốn "đảm bảo an toàn và quyền lợi cho các quân nhân Mỹ hoạt động tại khu vực, qua đó bảo vệ lợi ích quốc gia".
"Các cuộc tấn công gần đây của Iran đã chứng minh các thông tin mà chúng tôi nhận được về hành vi thù địch của họ: đe dọa nhân viên quân sự và lợi ích của Mỹ trên toàn khu vực. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và điều chỉnh các cấp độ quân đội cho phù hợp" – ông Shanahan tuyên bố.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan (phải) và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: VOA
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng nói rằng Mỹ không muốn gây chiến với Iran nhưng vẫn cân nhắc tất cả lựa chọn.
Hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington sẽ triển khai thêm 1.500 binh sĩ tới Trung Đông.
Thông tin trên được công bố sau khi Lầu Năm Góc tiết lộ các bức ảnh mới, cho thấy "phần còn lại của một quả mìn chưa nổ" trên tàu chở dầu Kokuka Courageous thuộc sở hữu của Nhật Bản. Trong một bức ảnh, một lỗ hổng được nhìn thấy xuất hiện trên thân tàu. Một bức ảnh khác chụp tàu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC).
Washington trước đó cáo buộc Tehran dính líu đến các vụ tấn công tàu chở dầu ở vịnh Oman giữa tuần trước và 4 vụ khác bên ngoài eo biển Hormuz hồi tháng 5. Tuy nhiên, Iran khẳng định họ không liên quan đến các vụ tấn công và mô tả cáo buộc của Mỹ là "vô căn cứ".
Một lỗ hổng được nhìn thấy xuất hiện trên thân tàu Kokuka Courageous. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Cùng ngày 18-6, Iran cảnh báo nước này sẽ không tiếp tục tuân thủ một phần của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, vốn yêu cầu Tehran hạn chế khả năng làm giàu uranium và giới hạn trữ lượng uranium làm giàu thấp ở mức 300 kg hoặc tương đương trong 15 năm.
Hồi tháng 5, Iran tuyên bố sẽ phản đối quyết định đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump lập luận thỏa thuận hạt nhân 2015 còn nhiều thiếu sót vì không phải là vĩnh viễn, không đề cập đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran cũng như không trừng phạt Iran về hoạt động can thiệp quân sự vào các quốc gia Trung Đông khác.